Sáng nay, 29.5, tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức lễ tổng kết, trao giải Sáng tạo trẻ năm 2016 và hội thi sản phẩm, đề tài sáng tạo lần thứ 11 năm 2017 nhằm vinh danh những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, công nghệ ứng dụng ở các đơn vị.
Giải nhất Sáng tạo trẻ trong Quân chủng Phòng không - Không quân được trao cho bộ thiết bị luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng tên lửa CM - 90, của nhóm tác giả thuộc Trung đoàn 236, Sư đoàn 361. Theo hội đồng giám khảo của Quân chủng Phòng không - Không quân, bộ thiết bị này có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tiết kiệm nhiều chi phí nhiên liệu so với vận hành trên khí tài thật.
Hội thi năm nay có 117 đề tài, sản phẩm và sáng kiến tham gia. Trong đó số lượng đề tài thuộc chuyên ngành kỹ thuật hàng không, tên lửa, ra đa chiếm số lượng nhiều nhất với 85 đề tài. Trong đó, nhiều đề tài đã được ứng dụng để sản xuất các thiết bị, khí tài, vũ khí và trang thiết bị quân sự.
tin liên quan
Tên lửa mới của Triều Tiên thách thức hệ thống phòng thủ MỹLầu Năm Góc chuẩn bị thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa vốn bị chỉ trích kém hiệu quả giữa lúc CHDCND Triều Tiên liên tục thử nghiệm thành công hàng loạt tên lửa thế hệ mới.
Thiếu tá Nguyễn Trung Phong, Trưởng nhóm nghiên cứu bộ thiết bị luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng tên lửa CM - 90, cho biết trong công tác chuẩn bị chiến đấu và tác chiến phòng không của loại tổ hợp tên lửa phòng không C75-M3, đại đội bệ phóng là đơn vị trực tiếp đưa đạn tên lửa đến tiêu diệt mục tiêu trên không và việc kiểm tra chức năng đánh giá tình trạng khả năng sẵn sàng chiến đấu của bệ phóng có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, đại đội trưởng và trắc thủ phải hiểu bản chất của các bước, thao tác chuẩn xác và đánh giá đúng tình trạng bệ phóng để giúp người chỉ huy đưa ra quyết định, hạ quyết tâm chiến đấu.
Trên thực tế, quy trình kiểm tra phải tiến hành chính xác từng thao tác và để phục vụ cho người kiểm tra bệ phóng cần tới 9 người cùng mở máy và thực hiện các thao tác hiệp đồng. Điện năng và dầu máy tiêu thụ trong thời gian này rất lớn nếu vận hành trên khí tài thật, chưa kể là công tác huấn luyện có thể phát sinh tình huống nguy hiểm nếu thao tác sai, hoặc vận hành máy trong thời gian dài.
Cũng theo thiếu tá Nguyễn Trung Phong, bộ thiết bị luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng tên lửa CM - 90 khi đưa vào sử dụng thường xuyên trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị sẽ khắc phục triệt để các nguy cơ mất an toàn đối với người và khí tài khi không cần mở điện toàn bộ đài điều khiển và bệ phóng. Đặc biệt, kíp huấn luyện với 9 người trước đây giờ chỉ cần 1 - 2 người.
|
Thiếu tá Nguyễn Trung Phong cũng cho biết sau thành công của bộ thiết bị này, nhóm nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu, phát triển thêm các mô hình, hệ thống huấn luyện khí tài mới với công nghệ hiện đại, tổ hợp tên lửa Spyder, giúp cho cán bộ, chiến sĩ và bộ đội tiếp cận và làm chủ vũ khí, khí tài mới.
Bình luận (0)