Bộ Chính trị quy định về xử lý cán bộ vi phạm nhưng không nhận trách nhiệm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/01/2024 16:56 GMT+7

Theo quy định mới của Bộ Chính trị, trường hợp đối tượng kiểm tra chưa tự giác, không nhận trách nhiệm thì tiến hành kiểm tra hoặc chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiến hành kiểm tra theo quy trình khi có dấu hiệu vi phạm.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Quyết định số 139 ban hành quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quy trình kiểm tra mới có hiệu lực từ ngày 4.1, thay thế cho quy trình trước đây tại Quyết định số 173 ngày 8.7.2008.

Theo đó, quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm 3 bước: chuẩn bị, tiến hành và kết thúc kiểm tra.

Bộ Chính trị quy định về xử lý cán bộ vi phạm nhưng không nhận trách nhiệm- Ảnh 1.

Một đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị triển khai bước kiểm tra tại một tổ chức Đảng

MOC.GOV.VN

Tại bước chuẩn bị, Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ là cơ quan tham mưu xây dựng, ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng đề cương báo cáo kết quả tự kiểm tra của đối tượng kiểm tra.

Cơ sở để Ủy ban Kiểm tra T.Ư tham mưu là chương trình, kế hoạch kiểm tra hàng năm cũng như chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ ban hành quyết định và kế hoạch kiểm tra. Căn cứ tính chất, nội dung kiểm tra quyết định thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra; phân công ủy viên Bộ Chính trị hoặc ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn.

Ở bước tiến hành, quy trình nêu rõ, đoàn kiểm tra hoặc đại diện đoàn kiểm tra sẽ triển khai quyết định, kế hoạch kiểm tra với đối tượng kiểm tra và đại diện tổ chức quản lý đảng viên (nếu đối tượng là đảng viên). Đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo tự kiểm tra bằng văn bản và các tài liệu liên quan gửi Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thông qua đoàn kiểm tra.

Sau đó, đoàn kiểm tra nghiên cứu báo cáo của đối tượng kiểm tra, các hồ sơ, tài liệu; làm việc với đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tiếp đó, đoàn kiểm tra dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra.

Ở bước này, đoàn kiểm tra sẽ tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra. Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận, tham gia ý kiến và kiến nghị, đề xuất bằng văn bản.

Tiếp đó, đoàn kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau; hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra trình Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thông qua Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra T.Ư tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, phối hợp với Văn phòng T.Ư Đảng gửi dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đến các ủy viên Bộ Chính trị hoặc ủy viên Ban Bí thư.

Đối tượng vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật thì xử lý ra sao?

Ở bước kết thúc, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tổ chức hội nghị để xem xét, kết luận.

Tại hội nghị, Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, ý kiến của đối tượng kiểm tra và các đề xuất, kiến nghị của các đoàn, ý kiến của đối tượng kiểm tra và các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan. Hội nghị sẽ thảo luận và kết luận.

Quy trình nêu rõ: trường hợp kết luận đối tượng kiểm tra vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật và tự giác kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật thì Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc báo cáo T.Ư Đảng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Trường hợp đối tượng kiểm tra chưa tự giác, không nhận trách nhiệm thì tiến hành kiểm tra hoặc chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Sau bước này, đoàn kiểm tra sẽ hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra, phối hợp với Văn phòng T.Ư Đảng xây dựng thông báo kết luận kiểm tra trình Thường trực Ban Bí thư ký, ban hành.

Đại diện Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thông báo hoặc ủy quyền cho đoàn kiểm tra thông báo kết luận kiểm tra đến đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện.

Giao Ủy ban Kiểm tra T.Ư đôn đốc, giám sát đối tượng kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.