Bộ chính trị yêu cầu địa phương bố trí đủ quỹ đất xây nhà ở xã hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/05/2022 12:56 GMT+7

Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh, thành bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, khuyến khích tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư phát triển đô thị.

Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, tình trạng "quy hoạch treo"

Sáng 18.5, Thường trực Ban Bí thư tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06).

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cùng Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng chủ trì hội nghị

TTXVN

Trình bày những nội dung cơ bản của Nghị quyết 06, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho hay, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về phát triển đô thị.

“Việc Thường trực Ban Bí thư triệu tập hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Trong đó nhấn mạnh, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; đảm bảo quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm.

“Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng "quy hoạch treo", cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 06 cũng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả.

Theo đó, tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Đồng thời, xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp

Theo ông Trần Tuấn Anh, Nghị quyết 06 cũng đưa ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp trong vấn đề phát triển đô thị Việt Nam. Trong đó bao gồm việc hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; xây dựng phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững, đồng bộ…

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh phát biểu, giới thiệu nội dung Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị

ttxvn

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng yêu cầu đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố.

“Các tỉnh, thành bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nghị quyết 06 cũng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.

Theo đó, Nghị quyết 06 đề ra giải pháp tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị. Thực hiện phân cấp và trao quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý đô thị.

“Tổng kết, hoàn thiện luật Thủ đô và các quy định phân cấp quản lý cho TP.HCM và các thành phố trực thuộc T.Ư phù hợp với yêu cầu phân cấp, trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho chính quyền các đô thị”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.