Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 8.7, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan này đã gửi công văn đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở TN-MT và UBND TP.HCM báo cáo tình hình các doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá đất khu đô thị Thủ Thiêm chưa nộp tiền dù đã quá thời hạn theo hợp đồng. Như vậy, cả 4 DN trúng đấu giá các lô đất Thủ Thiêm trong phiên ngày 10.12.2021 đến nay đều đã bỏ cọc (hơn 1.051 tỉ đồng).
Hiện Cục Thuế TP.HCM đang chờ quyết định hủy hợp đồng trúng đấu giá của cơ quan chức năng để ra quyết định thu hồi thông báo thuế.
Nổi tiếng và tai tiếng
Kết quả đấu giá các lô đất Thủ Thiêm kể trên từng nổi tiếng vì tổng giá trị dự kiến mang về cho ngân sách TP.HCM hơn 37.346 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay lần lượt cả 4 DN đều chấp nhận bỏ cọc mặc dù không ít lần cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ sau khi trúng đấu giá. Nhận xét về câu chuyện đấu giá đất “chưa từng có”, bạn đọc (BĐ) Lien Pham chua xót: “Nếu chỉ dừng lại ở việc DN mất tiền đặt cọc thì e rằng đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm, sẽ tiếp tục tái diễn, làm xáo trộn thị trường nhà đất trong cả nước”. BĐ Lien Pham đề nghị: “Cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh cấm các DN này tham gia bất kỳ cuộc đấu giá nào khác trong tương lai. Có như vậy họ mới không dám tái phạm”.
Giữa tháng 12.2021, TP.HCM hoàn tất việc đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay cả 4 công ty trúng đấu giá đều đã bỏ cọc |
Ngọc Dương |
Nhiều BĐ cũng cho rằng câu chuyện bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm “không thể chỉ đơn giản coi là một thương vụ đấu giá bất thành”. BĐ Bao water nhận xét: “Kéo dài lê thê 6 tháng trời gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản thành phố, uy tín của chính quyền, chậm trễ sự phát triển của Thủ Thiêm… Nói chung vụ này thu được hơn 1.051 tỉ tiền cọc nhưng cái mất thì quá lớn, quá nhiều. Cần phải sửa luật đấu giá, phải kiểm soát có tiền mới cho vào đấu giá, còn kiểu tay không bắt... đất thì phải dẹp ngay từ đầu”.
Liên quan đến câu chuyện “quay xe đến ngỡ ngàng” của các DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, BĐ Thoabinh nghi vấn: “Tôi ngờ rằng các công ty này chủ yếu họ đấu giá cao để đẩy giá đất ở quanh khu vực này lên cao rồi họ bán những lô đất và nhà của họ ở đó. Họ chấp nhận mất cọc nhưng tiền chênh lệch từ những lô đất được đẩy giá lên sẽ cao hơn gấp nhiều lần số tiền cọc. Nếu đúng vậy thì họ mang cơ quan quản lý ra đùa rồi”.
Giải pháp nào ?
Liên quan đến câu chuyện đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tư pháp cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện tại vẫn chưa có quy định cấm người tham gia đấu giá bỏ cọc, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng giao Bộ TN-MT rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, thời điểm nộp tiền trúng đấu giá và chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.
BĐ Hải Thanh nêu ý kiến: “Cần có quy định giá trị tài sản công đem ra đấu giá ở một mức nào đó thì chỉ có công ty đã niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, có báo cáo kiểm toán 3 năm gần nhất, mới được tham gia. Chứ như hiện tại, các công ty vừa lập, không ai biết làm ăn thế nào, mà đấu giá hàng nghìn tỉ rồi huy động trái phiếu này kia, làm mất an toàn hệ thống tài chính, ảnh hưởng đến nhà đầu tư và gây nhiều hệ lụy”.
Đa số BĐ Báo Thanh Niên cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng trả giá cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ, gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản.
Đề nghị tước giấy phép kinh doanh và đưa sang công an điều tra chứ sao có chuyện cả 4 DN trúng đấu giá rồi bỏ cọc như đùa vậy được?
Kho Van TTC
Vài chục nghìn tỉ mà làm như trò chơi con nít vậy! Lúc đấu giá nhắm khả năng của mình tới đâu rồi hãy đấu giá chứ.
Tri
Không có khả năng tài chính mà vẫn được chấp nhận hồ sơ tham gia đấu giá. Hết sức khó hiểu.
Phi Hoang
Bình luận (0)