Bộ Công an bỏ quy định người dân giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình

05/10/2024 20:12 GMT+7

Bộ Công an bãi bỏ quy định về việc người dân giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình; đồng thời bãi bỏ nội dung công khai 'chuyên đề' tuần tra, kiểm soát.

Bộ Công an mới ban hành Thông tư 46/2024, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019, quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư mới có hiệu lực thi hành kể từ 15.11 tới.

Bộ Công an bỏ quy định người dân giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình- Ảnh 1.

Bộ Công an bãi bỏ nhiều nội dung công khai của lực lượng công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ảnh minh họa)

ẢNH: HOÀNG TUÂN

Bỏ quy định về quay phim và công khai "chuyên đề"

Theo quy định hiện hành, người dân có 5 hình thức giám sát đối với lực lượng công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Một là, thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hai là, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

Ba là, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. Bốn là, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Năm là, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Riêng hình thức giám sát này phải đảm bảo các điều kiện sau: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Cục CSGT lý giải việc bỏ quy định người dân giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình

Tại thông tư mới sắp có hiệu lực thi hành, Bộ Công an vẫn quy định về 5 hình thức giám sát, tuy nhiên ở hình thức giám sát thứ năm đã bỏ đi nội dung "thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình", chỉ còn qua "quan sát trực tiếp".

Ngoài ra, thông tư mới tách riêng các điều kiện cần đảm bảo khi người dân thực hiện giám sát, áp dụng chung với tất cả các hình thức giám sát. Theo đó, việc giám sát của người dân không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Vẫn theo quy định tại Thông tư 46/2024, nội dung công khai của công an nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm: các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính. So với quy định hiện hành, nội dung công khai "trang phục, số hiệu công an nhân dân" đã được bỏ.

Một điểm mới quan trọng khác, Thông tư 46/2024 bãi bỏ các nội dung công khai gồm: kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên (gồm các nội dung cụ thể sau: tên đơn vị, tuyến đường, các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý, thời gian thực hiện).

Phát sinh nhiều bất cập

Trong giai đoạn xây dựng dự thảo thông tư, Bộ Công an cho hay, qua hơn 4 năm thực hiện, Thông tư 67/2019 không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập.

Việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội.

Cạnh đó, một số đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng CSGT làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.

Bộ Công an cũng thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao.

Do vậy, khi làm việc trực tiếp với người dân, những cán bộ, chiến sĩ này chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của người dân.

Ngoài ra, quy định về nội dung công khai tại Thông tư 67/2019 hiện không còn phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành…

Những phát sinh kể trên là lý do để sửa đổi, bổ sung các quy định như đã nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.