Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của lực lượng CSGT, nhằm thay thế cho Thông tư 26/2017 quy định về cùng nội dung.
Phân cấp chỉ huy, điều khiển giao thông
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất quy định cụ thể về phân công, phân cấp trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.
Cụ thể, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến, địa bàn nào thì thực hiện công tác chỉ huy, điều khiển giao thông tuyến đường, địa bàn đó.
Cục CSGT thực hiện công tác chỉ huy, điều khiển giao thông, chỉ đạo phối hợp phân luồng giao thông trên các tuyến cao tốc được giao quản lý khi có sự cố giao thông có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, tai nạn, ùn tắc giao thông.
Bộ Công an đề xuất quy định mới về chỉ huy, điều khiển giao thông
Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định việc phân công, phân cấp công tác chỉ huy, điều khiển giao thông tuyến đường, địa bàn thuộc quyền quản lý.
Đáng chú ý, dự thảo của Bộ Công an quy định điểm mới về việc sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông.
Theo đó, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông được sử dụng phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ của CSGT và bảo đảm các yêu cầu về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; an toàn cho người tham gia giao thông.
Các thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông có thể nhận và truyền tải thông tin cần được kết nối với trung tâm chỉ huy giao thông.
Khi tiếp nhận các thông tin, dữ liệu về tình hình giao thông (ùn tắc, tai nạn, mật độ phương tiện…), CSGT phải chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu hoặc triển khai phương án bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông; xử lý, khắc phục kịp thời.
Người vi phạm không chấp hành, xử lý thế nào?
Vẫn theo dự thảo, Bộ Công an hướng dẫn giải quyết một số trường hợp cụ thể trong quá trình chỉ huy, điều khiển giao thông.
Ví dụ, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, CSGT cần giải thích ngắn gọn, rõ ràng để họ thấy rõ hành vi vi phạm của mình và biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật để tự giác chấp hành.
Trường hợp người vi phạm không chấp hành thì tạm giữ giấy tờ, mời người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc hướng dẫn khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Nếu xảy ra gây rối trật tự công cộng làm cản trở đến trật tự, an toàn giao thông, CSGT cần sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận sự việc; đình chỉ ngay hành vi, thu hồi hung khí (nếu có), kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người có liên quan, tổ chức cấp cứu người bị nạn (nếu có); phối hợp với các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định, không để xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự.
Cùng với đó là giải tán đám đông (nếu có), lập biên bản ghi nhận vụ việc và yêu cầu những người có liên quan về trụ sở công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để giải quyết…
Một số trường hợp khác gồm: người lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy; lăng mạ, cản trở người thi hành công vụ; điều khiển xe đâm vào người thi hành công vụ…
Với những tình huống này, CSGT cần giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi của mình, thuyết phục, yêu cầu họ chấm dứt ngay và chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Nếu người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.
Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
Bình luận (0)