Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phê duyệt đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Một trong những căn cứ của nghị quyết là theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo dự thảo, Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Dữ liệu tại trung tâm này sẽ là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh…
Đồng thời, trung tâm cũng cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2023 - 2025 (xây dựng cơ bản), giai đoạn 2 từ 2026 - 2028 (mở rộng), giai đoạn 3 từ 2029 - 2030 (phát triển).
Trong đó, giai đoạn 1 bao gồm một số công việc như xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, hình thành bộ khung tổ chức và tuyển dụng chuyên gia, triển khai đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các cơ sở dữ liệu… Bộ Công an, Bộ TT-TT là các đơn vị chủ trì thực hiện.
Dự kiến từ quý 3/2025, Trung tâm dữ liệu quốc gia bắt đầu cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ quan khối Đoàn, Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, đơn vị có nhu cầu đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia
Cùng với đó là cung cấp dịch vụ phân phối, chia sẻ dữ liệu từ kho dữ liệu dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương; cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Vẫn theo dự thảo, kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của đề án trong dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao.
Dự thảo nghị quyết cũng khuyến khích việc huy động theo quy định của pháp luật các nguồn kinh phí ngoài ngân sách T.Ư để triển khai đề án.
Dự thảo nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm: 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin; 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng.
Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm: 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin; 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng.
Bình luận (0)