Chiều 13.11, với 432/432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2025.
Xử lý nghiêm trường hợp cản trở làm chậm giải ngân vốn
Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách T.Ư năm 2025 là hơn 1,02 triệu tỉ đồng; địa phương là 946.675 tỉ đồng. Sử dụng 60.000 tỉ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách T.Ư và 50.619 tỉ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách T.Ư là hơn 1,52 triệu tỉ đồng. Trong đó, dự toán 248.786 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan T.Ư và các tỉnh, thành phố thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025.
"Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao", nghị quyết nêu.
Bộ Công an được bố trí tương ứng 85% tiền xử phạt năm 2023
Vẫn theo nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2025 theo quy định tại khoản 2 điều 2 của Nghị quyết số 64/2018 của Quốc hội.
Từ năm 2024 thực hiện điều tiết ngân sách T.Ư hưởng 100% đối với số thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách T.Ư 100% và thực hiện phân chia 65% số thu cho ngân sách T.Ư và bố trí dự toán ngân sách T.Ư bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết được sử dụng cho đầu tư phát triển; ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế. Phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.
Bộ Công an được bố trí 5.307 tỉ đồng, tương ứng 85% nguồn thu xử phạt hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thực nộp ngân sách nhà nước năm 2023, để chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. 936,5 tỉ đồng (tương ứng 15% số phát sinh thực tế trên địa bàn địa phương) được bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Có nên tăng dự phòng ngân sách T.Ư?
Trước đó, trình bày cáo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến không đồng ý việc để lại số kinh phí chưa phân bổ trong năm, đề nghị bố trí tăng dự phòng ngân sách T.Ư hoặc giảm bội chi ngân sách T.Ư, thực hiện đúng quy định luật Ngân sách nhà nước.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn quy định của luật Ngân sách nhà nước: dự phòng ngân sách nhà nước bố trí từ 2 - 4% tổng chi ngân sách nhà nước theo từng cấp ngân sách, được sử dụng để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách mà chưa được dự toán.
Hiện nay, Chính phủ trình Quốc hội bố trí dự phòng ngân sách T.Ư năm 2025 là 38.500 tỉ đồng (trên 3% tổng chi ngân sách T.Ư). Đồng thời, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2025 còn khoảng 85.388 tỉ đồng chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, chủ yếu là các nhiệm vụ, chế độ, chính sách đã có chủ trương, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, chưa có chế độ, chính sách và đối tượng thụ hưởng cụ thể nên chưa đủ căn cứ phân bổ chi tiết. Nếu bố trí kinh phí trên vào dự phòng ngân sách T.Ư sẽ vượt tổng mức được bố trí theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc bố trí dự toán kinh phí cho các nội dung trên trong các lĩnh vực chi của ngân sách T.Ư là cần thiết để tổ chức thực hiện trong năm, trong khi dự phòng ngân sách T.Ư chỉ được bố trí tối đa 4% tổng chi ngân sách T.Ư, đồng thời phải ưu tiên các nhiệm vụ đột xuất như thiên tai, dịch bệnh, an ninh, quốc phòng… và các khoản chưa được dự toán.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép dành nguồn bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Bình luận (0)