Bộ Công an nói gì việc cựu CEO Bamboo Đặng Tất Thắng thông tin sai sự thật?

03/04/2024 17:55 GMT+7

Đại diện Bộ Công an cho biết, việc ông Đặng Tất Thắng, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và Tổng giám đốc Bamboo Airways, thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý bằng pháp luật, không có vùng cấm, ngoại lệ.

Tại họp báo Chính phủ chiều nay 3.4, PV Thanh Niên đặt câu hỏi liên quan việc ông Đặng Tất Thắng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Tổng giám đốc Bamboo Airways, thông tin sai sự thật trên Facebook cá nhân về Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank bị cấm xuất cảnh. 

Bộ Công an nói gì việc cựu CEO Bamboo Đặng Tất Thắng thông tin sai sự thật?- Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an

VGP

Phóng viên đề nghị Bộ Công an cho biết sẽ xử lý thế nào với việc tung tin sai sự thật, tác động xấu đến thị trường cổ phiếu, chứng khoán? Ông Thắng đang ở Úc, trong trường hợp cá nhân đưa thông tin từ nước ngoài, biện pháp xử lý tiếp theo là gì? Đồng thời, đề nghị Bộ Công an cho biết hoạt động chống phá tội phạm trên không gian mạng và kinh nghiệm của ngành về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hành vi thông tin sai sự thật sẽ được điều chỉnh bởi luật An ninh mạng, luật Hình sự, luật Dân sự và các quy định khác liên quan, trên tinh thần tất cả những ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý bằng pháp luật, không có vùng cấm, ngoại lệ.

"Bài học rút ra phải xử lý sớm thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc, các cơ quan, tổ chức cần sớm có thông tin phản bác. Đồng thời, phối hợp các đơn vị chức năng xử lý theo quy định pháp luật; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân", ông Xô nói.

Trước đó, trên Facebook cá nhân Thang Dang có tick xanh, ông Đặng Tất Thắng cho biết, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, bị cấm xuất cảnh, do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát.

Liên quan đến các hoạt động chống phá trên không gian mạng và tội phạm trên không gian mạng, trong quý 1 và tháng 3 vừa qua, các hoạt động chống phá và tội phạm mạng diễn ra rất phức tạp. Ông Tô Ân Xô cho biết, trong cuộc họp sáng nay, Thủ tướng và các bộ trưởng đề cập đến thực trạng này.

Cụ thể, các thế lực thù địch, phản động chống đối, các trung tâm phá hoại chính trị tư tưởng gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo tình hình chính trị nội bộ, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất bên trong. Các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các loại tội phạm... gia tăng các hoạt động tấn công mạng để đánh cắp thông tin, lừa đảo.

Trong quý 1, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 3, phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 6% so với tháng 2.

Cạnh đó, hệ thống mạng của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công đánh cắp dữ liệu, thay đổi giao diện, cướp quyền quản trị... "Bộ Công an phát hiện hàng chục GB dữ liệu có nội dung bí mật bị đánh cắp", ông Tô Ân Xô nói.

Lừa đảo qua mạng xảy ra 605 vụ, đã bắt 377 đối tượng, số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng. Song, đây mới là số liệu từ Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, còn các địa phương chưa có thống kê.

"Bộ Công an đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp bảo vệ, người dân tham gia tố giác tội phạm, không tin, không nghe các hướng dẫn quá chi tiết qua điện thoại và các dịch vụ OTT... để tránh bị lừa đảo", trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.