Tại hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vào cuối tháng 10 qua, Bộ GD-ĐT chính thức công bố không cộng điểm chứng chỉ nghề vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
CHƯƠNG TRÌNH CŨ: DẠY NGHỀ NHƯ "CƯỠI NGỰA XEM HOA"
Ông Huỳnh Văn Bình, Hiệu phó Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, môn nghề phổ thông được tổ chức ở lớp 10, 11 với các nghề như điện, tin học, nấu ăn, nhiếp ảnh… Đây là môn học không tính điểm trung bình trong đánh giá xếp loại nhưng là điều kiện đủ để xét hoàn thành chương trình THPT. Đặc biệt, theo quy định của Chương trình GDPT 2006, sau khi hoàn thành nội dung 105 tiết trong thời gian lớp 10, 11, nếu học sinh (HS) tham gia thi chứng chỉ nghề phổ thông thì sẽ được cộng điểm khuyến khích vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy mục tiêu của môn nghề được xác định là cơ hội để HS ứng dụng thực tế và giảm áp lực thi cử.
Tuy nhiên vì là bắt buộc nên một số HS chọn các môn nghề "dễ" như may vá, nấu ăn vì không muốn học những môn "khó" hơn, dù có tính ứng dụng như điện, tin học. Do đó, nhiều nhà trường cho rằng môn nghề phổ thông được tổ chức theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Bởi điều kiện, cơ sở vật chất để phục vụ việc thực hành không thể đáp ứng được đúng mục tiêu.
TỪNG LÀ MÔN "GIẢI CỨU" CHO HS XÉT TỐT NGHIỆP
Thực tế này khiến lãnh đạo các trường THPT cho rằng môn nghề không thực tế và thực chất vì HS không có nhu cầu. Và khi vào đời, chứng chỉ nghề phổ thông được cấp đó cũng không có giá trị khi tham gia vào thị trường lao động. Vì vậy, một hiệu phó thẳng thắn nói: "Môn nghề phổ thông là phương án "giải cứu" cho những HS gặp nguy hiểm với điểm thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, HS có lực học khá, những trường tốp trên thường chỉ học cho xong và ngược lại HS có học lực thấp, những trường tốp dưới thường lựa chọn việc thi chứng chỉ sau khi hoàn thành nội dung môn học".
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết thời gian dạy môn nghề thường bị xếp vào các tiết phụ hoặc bố trí vào những khoảng thời gian mà nhà trường có thể sắp xếp, không được xem là phần thiết yếu trong chương trình. Thường thì các môn nghề bao gồm nấu ăn, may vá, sửa chữa điện dân dụng, trồng trọt và chăn nuôi, nhiếp ảnh...
Vị hiệu trưởng này nhìn nhận, đa số giáo viên dạy môn nghề gặp phải những khó khăn nhất định. Do thiếu trang thiết bị và điều kiện giảng dạy nên việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng không được đảm bảo. Trong khi đó, một số HS tỏ ra không quan tâm hoặc xem nhẹ vì các môn nghề không được tính điểm vào tổng kết. Với những em sống ở khu vực nông thôn, việc học các kỹ năng trồng trọt hay chăn nuôi đôi khi lại hữu ích và có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống. Còn ở khu vực thành thị, nhiều HS chỉ tham gia học cho có mà không thực sự hứng thú hoặc hiểu rõ giá trị của môn nghề.
CHƯƠNG TRÌNH MỚI: THAY BẰNG KỸ NĂNG SỐNG
Trong 3 năm gần đây, với Chương trình GDPT 2018, nghề phổ thông đã không còn là môn học trong chương trình; thay vào đó là hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp. Hiệu trưởng nhiều trường cho hay, các trường đã cải thiện phương pháp dạy môn nghề trước đây để giúp HS có được những kỹ năng cần thiết hơn cho đời sống thực tế. HS cũng bắt đầu đón nhận môn học này với thái độ tích cực hơn.
Một số trường đã đưa môn nấu ăn, nhiếp ảnh, thủ công mỹ nghệ thành môn kỹ năng sống với sự đầu tư bài bản, thiết thực nên HS thích thú hơn.
Chính vì vậy, ông Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh: "Bộ GD-ĐT quyết định bỏ quy định cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề phổ thông khi xét tốt nghiệp từ năm 2025 không chỉ phù hợp với chương trình mà còn nhằm mục tiêu cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục".
Theo ông Phú, trước hết việc này đảm bảo tính công bằng, vì trước đây điểm khuyến khích chứng chỉ nghề giúp nhiều HS có lợi thế trong xét tốt nghiệp nhưng không phản ánh chính xác năng lực học thuật và kiến thức chung. Do đó, việc bỏ điểm này giúp tạo ra sự công bằng hơn giữa các học sinh.
Bên cạnh đó, điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ giúp nâng cao chất lượng kỹ năng nghề cho HS. Việc bỏ cộng điểm là một phần của nỗ lực khuyến khích HS tập trung vào học nghề với mục tiêu thực sự nâng cao kỹ năng, thay vì chỉ để đạt điểm; hướng HS vào lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê và nhu cầu thực tế, không phải vì lợi ích điểm số. Điều này góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn.
"Quyết định này là một phần trong lộ trình đổi mới GDPT, tập trung vào việc phát triển năng lực và phẩm chất của HS, thay vì chạy theo các tiêu chí điểm số không cần thiết; giúp các trường nghề phải thay đổi cơ sở hạ tầng, giáo trình, phương pháp để đảm bảo kỹ năng lành nghề cho HS một cách thực tế", ông Phú nhận định.
Nhà trường giúp HS tìm hiểu, dự báo
và lựa chọn nghề phù hợp
Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn HS chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với thể lực và năng khiếu của cá nhân. Thực hiện công tác hướng nghiệp là một yêu cầu cần thiết của giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu nguyên lý và nội dung giáo dục; góp phần tích cực và có hiệu quả vào việc phân công và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, xu thế hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có những ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục và đời sống. Trong đó có những tác động tích cực cũng như nhiều khó khăn cho HS chuẩn bị tốt nghiệp THPT trong việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Do vậy, trong trường phổ thông, HS cần được nâng cao nhận thức về xu thế hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có đủ hiểu biết sâu rộng, chính xác, toàn diện về xu thế đối với người lao động trong tương lai, từ đó giúp các em chuẩn bị tâm thế và có đủ dữ liệu đúng đắn. Nhà trường giúp HS THPT tìm hiểu, dự báo về nhu cầu nhân lực để có thể hiểu, đánh giá, ước tính về nhu cầu nhân lực đối với các ngành nghề trong tương lai. Giúp HS thể hiện nhận thức, kỹ năng, thái độ, thế giới quan - nhân sinh quan, đánh giá chính xác về bản thân (ước mơ, khát vọng, kỹ năng...) và khả năng đáp ứng trước nhu cầu của xã hội. Trên cơ sở đó, từng HS THPT phải tự nhận thức đưa ra quyết định về nghề nghiệp là trách nhiệm của bản thân chứ không thể là việc của cha mẹ, gia đình hay xã hội.
Đồng thời, theo nghiên cứu của Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, những vấn đề cần chú ý trong hoạt động hướng nghiệp cho HS trong nhà trường là định hướng sự chú ý của HS vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển. Giúp HS hứng thú tìm hiểu và theo học các ngành, nghề mà địa phương, xã hội đang cần.
Nhà trường cũng cần giúp HS tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực, phù hợp.
Bình luận (1)
Nên bỏ tất cả các loại điểm ưu tiên trừ trường hợp con em liệt sĩ thương binh .Hay học sinh vùng sâu xa có hộ khẩu cư trú tại vùng đó . Nhất là học sinh mang họ đồng bào thiểu số nhưng sống ở thành phố đời thứ 3 rồi ..