Bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua châu bản nhà Nguyễn

16/02/2023 07:22 GMT+7

Hoạt động của bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua các châu bản nhà Nguyễn của Hà Mai Phương (do Nhã Nam và NXB Hồng Đức vừa ấn hành) mang đến cho độc giả những thông tin thú vị, tổng quan nhất về thể thức hoạt động của bộ Công cũng như góc nhìn khác vua Tự Đức.

Bộ Công, thuộc lục bộ (bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công) dưới triều vua Tự Đức (1848 - 1883), vốn giữ một vai trò khiêm nhường trong guồng máy kiến thiết quốc gia. Bộ Công cũng ít được chú ý trong các công tác nghiên cứu.

Vào đầu thập niên 1970, tác giả Hà Mai Phương đã tra cứu và thống kê được trong chi nhánh Văn khố Đà Lạt bấy giờ lưu giữ 352 tập châu bản (tức các bản tấu sớ đã được vua ngự phê hoặc ngự lãm) triều vua Tự Đức (trong tổng số 611 tập châu bản nhà Nguyễn từ triều vua Gia Long đến vua Bảo Đại còn giữ lại được), phần nội dung liên quan đến bộ Công chỉ có 8 tập, ít nhất trong lục bộ. Và tác phẩm Hoạt động của bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua các châu bản nhà Nguyễn từng được xuất bản lần đầu vào năm 1974, và lần này đến với độc giả trong diện mạo mới.

Bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua châu bản nhà Nguyễn - Ảnh 1.

Chân dung vua Tự Đức, tranh khắc của L.Ruffier

La Dépêche coloniale illustrée, số ra ngày 15.2.1909, tr.42 (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp)

Tám tập tấu của bộ Công nằm rải rác qua các năm: 1861 (1 tập, 17 bản tấu), 1868 (1 tập, 15 bản tấu), 1873 (1 tập, 13 bản tấu), 1874 (1 tập, 6 bản tấu), 1879 (4 tập, 33 bản tấu). Dựa trên lựa chọn những sự kiện lịch sử và đánh giá tầm quan trọng của sử liệu, Hà Mai Phương đã trích dịch phần nội dung của 84 bản (237 tờ) tấu ra tiếng Việt nhằm mang đến cho độc giả những thông tin chính yếu nhất liên quan đến bộ Công.

Trong tổ chức hành chánh đầu nhà Nguyễn, quy định chính sự quốc gia thuộc về lục bộ. Lục bộ không phân cách rõ rệt và không bộ nào có địa vị chính thức cao hơn bộ nào, lục bộ phải tương thông với nhau. Trên thực tế vận hành, bộ Lại thường đóng vai trò quan trọng, ngược lại bộ Công đóng vai trò khiêm tốn nhất theo trật tự giảm dần đã viết ở trên.

Vua Tự Đức cũng thường úy lạo trong nội dung châu phê với các nội dung như "đã thưởng chưa?", "nghĩ hậu thưởng để úy lạo". Hoặc có khi ngài châu phê ngắn gọn phê bình rằng "viết nhiều phiền phức"…

Bộ Công là cơ quan thừa hành cấp trung ương, tập trung giải quyết các công vụ chính: tu tạo đền chùa, sảnh thự; tu bổ thành quách, đồn lũy; tu tạo tàu thuyền; thuê thợ và nhân công; bảo vệ đê điều… Về cơ bản, bộ Công phụ trách các công việc liên quan đến xây dựng kiến thiết và tu bổ các công sản quốc gia, vừa là cơ quan thừa hành vừa là cơ quan tư vấn tối cao của hoàng đế.

So với các bộ khác, bộ Công có số lượng nhân sự tương đối khiêm tốn, do đó, để làm tốt công việc của mình, bộ Công phải tạo dựng được mối tương quan mật thiết với các bộ. Từ nội dung các châu bản được Hà Mai Phương trích dịch, chúng ta có thể thấy một số tương thông giữa các bộ, ví như việc bộ Binh chi viện binh sĩ và chuyên viên giúp bộ Công trong công tác xây cất tòa sở, cửa thành, tôn tăng, tôn điện; cử thủy binh, quan thuyền hỗ trợ bộ Công trong việc tu bổ các thủy quan hay bờ hào thuộc kinh thành... Ngược lại, bộ Binh xin bộ Công tu sửa các thuyền thuộc thủy sư, xin đóng thêm một số giang thuyền, trang bị tu bổ tuần thuyền… Bộ Công cũng nhờ bộ Hộ cứu xét giá cả các vật hạng hay trù nhu phí tổn vật thực cho các thợ chuyên môn xuất dương… Bộ Lễ tư sang bộ Công kiểm tra tu tạo các đồ thờ trong liệt miếu hoặc về các nghi thức xây cất lăng tẩm…

Bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua châu bản nhà Nguyễn - Ảnh 3.

Bìa sách Hoạt động của bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua các châu bản nhà Nguyễn, do Nhã Nam và NXB Hồng Đức vừa ấn hành

Nguyễn Quang Diệu

GÓC NHÌN KHÁC VỀ vua Tự Đức

Từ nội dung trích dịch, phần "châu phê" của vua Tự Đức cho thấy ngài thường tỏ ra nghiêm khắc, để ý đến từng chi tiết nhỏ của công vụ, quan tâm đến vấn đề dân sinh, khen thưởng hay khiển trách đều rất rõ ràng...

Trong tờ tấu thuộc tập số 174 (năm 1868), bộ Công trình bày các lý do gây nên việc tu tạo công trình điện Sùng Ân bị gián đoạn và trì trễ, xin thanh minh. Vua phê rằng "Y tấu, ngoài ra Đường [đường quan] và nhân viên thuộc bộ Công không biết kiểm đốc, khinh suất tâu lên, lại chỉ đổ lỗi cho người, đều lập tức giao luôn nghị xử…". Ở một tờ tấu khác, vua cũng khiển trách thái độ đổ lỗi của bộ Công khi phê rằng "…Một nhân viên kiêm làm hai sở, làm đã muộn, nên phải đến tiết thu, ấy là lỗi của bộ, sao lại trách cứ người khác?". Hoặc trong tờ tấu thuộc tập số 128 (năm 1861), bộ Công trình bày việc thiếu gỗ phục vụ cho việc quân cơ phòng bị, tờ tấu trình bày không chi tiết rằng "hiện có 1 tòa kho ngói, lâu năm hư nát" có thể lấy gỗ ra cấp thời sử dụng, vua phê "kho gì, chứa vật gì, chưa rõ".

Vua Tự Đức cũng thường bác bỏ yêu cầu xử phạt của bộ Công, như cuối một sự việc bộ Công tâu là "…giao tỉnh thần sở quan theo luật xét tội bắt bồi thường", vua xóa câu đó đi và "châu cải" là "ban ơn và miễn xét tội". Trong tờ tấu thuộc tập số 128 (năm 1861), bộ Công cho rằng Võ Văn Cẩn và Ngụy Khắc Đản đã làm việc không hợp lý, "đáng được xét xử", vua phê là "miễn". Vua Tự Đức cũng thường úy lạo trong nội dung châu phê với các nội dung như "đã thưởng chưa?", "nghĩ hậu thưởng để úy lạo". Hoặc có khi ngài châu phê ngắn gọn phê bình rằng "viết nhiều phiền phức"…

Hoạt động của bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua các châu bản nhà Nguyễn dù tập trung khai thác một chủ đề khá khô khan, ít được quan tâm nhưng có thể nói là cuốn sách cần thiết, giúp bổ khuyết hay điền vào chỗ trống một khối lượng thông tin hữu ích từ nguồn sử liệu quý báu là châu bản nhà Nguyễn. Đồng thời, cuốn sách cũng mang đến một góc nhìn khác về vua Tự Đức, theo hướng tích cực. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.