Bộ Công thương: 'Chúng tôi quan tâm là giá điện khí nào hiệu quả nhất'

16/10/2024 21:25 GMT+7

Theo ông Đoàn Ngọc Dương, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) không quy định các nhà máy điện khí phải xây dựng hệ thống kho cảng riêng.

Chưa có cơ chế vận hành, nhà máy điện khí gặp khó

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), định hướng trong Quy hoạch điện VIII, tính đến 2030, tổng công suất các nhà máy điện chạy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có thể đạt 22.400 MW, chiếm xấp xỉ 26,5% so với công suất đặt thời điểm hiện tại của hệ thống điện; hàng năm sản xuất xấp xỉ 83,5 tỉ kWh, chiếm xấp xỉ 29,6% sản lượng điện của năm 2023.

Hiện có 2 nhà máy điện LNG là Nhơn Trạch 3 và 4 đang hoàn thành việc xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành lần lượt từ tháng 5.2025 và tháng 10.2025. Tuy nhiên, do chưa có các cơ chế liên quan đến vận hành, 2 nhà máy dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

"Hiện chưa có các cơ chế về sản lượng điện huy động, giá điện để phát triển điện khí thiên nhiên trong nước, điện khí LNG hay điện gió ngoài khơi. Điều này sẽ tạo ra rào cản, không thu hút được các nhà đầu tư, có nguy cơ làm chậm tiến độ các nguồn điện theo quy hoạch", Petrovietnam đánh giá.

Liên quan tới các khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện khí, ông Đinh Đức Mạnh, Phó trưởng ban Hợp đồng khí, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), có nhiều chia sẻ chi tiết tại tọa đàm "Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW" diễn ra ngày 16.10, tại Hà Nội.

Theo ông Mạnh, trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII, các nhà đầu tư dự án điện LNG đang thực hiện theo hướng đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình một nhà máy, một kho cảng.

Bộ Công thương: 'Chúng tôi quan tâm là giá điện khí nào hiệu quả nhất'- Ảnh 1.

Ông Đinh Đức Mạnh, Phó trưởng ban Hợp đồng khí (PV GAS), nêu lên tính cấp thiết xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG theo chuỗi gắn với kho cảng LNG trung tâm

ẢNH: PVN

Điều này không thể tối ưu chi phí để giảm giá thành điện, rủi ro các dự án không được triển khai kịp thời, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Quyết định 893 ngày 26.7.2023 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến 2050, ngoài các kho LNG kèm theo các nhà máy trong Quy hoạch điện VII, bổ sung thêm 4 kho cảng LNG trung tâm (LNG hub).

"Việc xây dựng các LNG Hub trên cả nước sẽ tiết kiệm được 2,8 tỉ USD (25%) tổng chi phí xây dựng", Petrovietnam tính toán.

Tuy nhiên, ông Mạnh cho biết, dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) không có quy định về việc xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng LNG theo chuỗi gắn với LNG hub.

PV GAS kiến nghị xem xét cụ thể hóa trong luật Điện lực (sửa đổi) về cơ chế xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG theo chuỗi gắn với LNG Hub để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu và đảm bảo hiệu quả của Nhà nước.

Ngoài vấn đề về LNG hub như ý kiến của đại diện PV GAS, Petrovietnam kiến nghị, trong dự thảo luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ quy định cơ chế ưu tiên huy động, bảo đảm huy động các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng hấp thụ khí và các ràng buộc về nhiên liệu…

Cạnh đó, Chính phủ quy định để thực hiện cơ chế chuyển ngang giá và sản lượng khí làm nhiên liệu đầu vào, phản ánh đầy đủ các chi phí đầu tư và sản xuất cho các dự án điện khí...

Không quy định nhà máy điện khí phải xây dựng hệ thống kho cảng riêng

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nhiệt điện khí được coi là "trụ đỡ" cơ cấu nguồn điện của Việt Nam.

Lợi thế và tính cấp bách trong triển khai các dự án điện khí đã rõ. Tuy nhiên, xác định giá điện khí và cơ chế bao tiêu sản lượng hàng năm là rào cản, vướng mắc lớn nhất mà hầu hết các dự án điện khí đã và đang phải đối diện từ nhiều năm nay, chưa có lời giải.

"Hiện đang thiếu cơ chế, chính sách phát triển điện khí. Đây là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu nguồn điện, khi không được tạo điều kiện để trở thành trụ đỡ chắc chắn, nó có thể sập", ông Long lo ngại.

Bộ Công thương: 'Chúng tôi quan tâm là giá điện khí nào hiệu quả nhất'- Ảnh 2.

Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), phát biểu tại tọa đàm

ẢNH: PVN

Một số nội dung cần xem xét có thể đưa vào luật Điện lực (sửa đổi) được ông Long đề cập là, cần có các quy định cụ thể để thu hút đầu tư vào nhiệt điện khí, như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, quy trình cấp phép nhanh chóng.

Ngoài ra, cần quy định rõ về cơ chế giá mua điện từ nhiệt điện khí theo giá thị trường, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư trong khi vẫn bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng...

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), nhìn nhận về phát triển điện khí nói chung, trong đó có LNG, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là xây dựng thị trường năng lượng liên thông, minh bạch.

"Xem xét quan điểm đó, với những chủ đầu tư khi phát triển các dự án điện được quy định trong dự thảo luật thì không yêu cầu những vấn đề về nguồn cung.

Chúng tôi rất hiểu, chia sẻ quan điểm của PV GAS từ góc độ nhà đầu tư các dự án về thượng nguồn, hạ nguồn liên quan tới cung cấp khí.

Trong dự thảo luật, chúng tôi không quy định các nhà máy điện khí phải xây dựng hệ thống kho cảng riêng. Việc cung cấp nguồn khí từ đâu, chủ đầu tư các dự án điện phải nghiên cứu, thẩm định với từng dự án cụ thể, xem giải pháp tối ưu như thế nào.

Nếu lấy nguồn khí từ kho cảng trung tâm do các nhà đầu tư khác phát triển thì hiệu quả ra sao? Đề xuất cuối cùng báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt thể hiện qua giá điện thấp nhất", ông Dương nói.

Nhắc tới những nghiên cứu sơ bộ của một số đơn vị, khẳng định nếu xây dựng kho cảng tập trung sẽ tiết kiệm hơn so với xây dựng kho cảng riêng cho từng dự án, ông Dương nhấn mạnh: "Ở đây chúng tôi quan tâm là giá điện nào hiệu quả nhất.

Chúng tôi tiếp thu, sẽ có một số nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng, trong trường hợp dự án điện lấy nguồn khí từ những kho cảng tập trung mà tăng hiệu quả, đảm bảo giá điện tối ưu thì vấn đề đó sẽ được khuyến khích. Tinh thần là đảm bảo sự cạnh tranh, không có giới hạn cụ thể trong luật".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.