Bộ Công thương đang xem xét phương án tăng giá điện

Mai Hà
Mai Hà
03/01/2023 20:06 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đang lấy ý kiến về phương án tăng giá điện theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để báo cáo Chính phủ.

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN theo cơ chế thị trường như giá xăng, trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3.1, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh giá điện đang được xem xét, song không thể theo chu kỳ ngắn như điều chỉnh giá xăng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

T.N

Theo ông Hải, hiện giá xăng điều chỉnh 10 ngày một lần. Vừa qua có ý kiến của người tiêu dùng, doanh nghiệp, chuyên gia và các lãnh đạo về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng. Hiện, Bộ Công thương đang sửa đổi Nghị định 85 và Nghị định 93, lấy ý kiến các đối tượng, theo hướng chu kỳ điều hành giá xăng ngắn hơn, dưới 10 ngày/lần.

Về giá điện, Quyết định 24 của Chính phủ đã quy định cơ chế điều hành giá điện trong năm. Theo đó, EVN phải cập nhật thông số đầu vào, tính toán lại giá bán lẻ bình quân, nếu đầu vào tăng từ 3% trở lên thì giá điện được tăng và giảm tương ứng.

“Giá điện đặc trưng khác giá xăng dầu, chi phí đầu vào tính theo mùa khô và mùa mưa. Mưa thì nước về hồ thuỷ điện nhiều, chi phí sản xuất thấp hơn so với mùa khô phải huy động nhà máy nhiệt điện nhiều hơn, giá đắt hơn”, ông Hải cho biết.

Hiện, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân là 6 tháng. Lần cuối điều chỉnh là 20.3.2019, đến tháng 3.2023 là 4 năm nhưng chưa điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá điện phải đánh giá cân nhắc kỹ, báo cáo Chính phủ phương án trước khi thực hiện.

“Hiện, Bộ Công thương đã nhận được đề xuất tăng giá điện của EVN. Lý do vừa qua có sự biến động khó lường của giá năng lượng thế giới, một số nước thậm chí phải cắt giảm điện luân phiên; ngoài ra biến động tỉ giá, căng thẳng xung đột địa chính trị... ảnh hưởng khiến chi phí sản xuất giá thành điện tăng cao, một số nước tăng gấp nhiều lần”, ông Hải cho biết.

Theo báo cáo của EVN, giá than nhập khẩu bình quân trong 10 tháng đầu năm 2022 cung cấp cho các nhà máy điện tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021. Giá than trộn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng hơn 50% so với đầu năm 2022, khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu phương án đề xuất của EVN, xây dựng lộ trình tăng giá điện trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố như lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

“Bộ Công thương sẽ tính toán kỹ và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo sự tác động nhỏ nhất trong trường hợp điều chỉnh tăng giá điện”, ông Hải nói.

Báo cáo của EVN cho biết, dù đã triển khai chiến lược tiết giảm chi phí 33.445 tỉ đồng, nhưng tập đoàn vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến trong năm qua. Kết quả, năm 2022, EVN dự kiến lỗ khoảng 31.360 tỉ đồng.

EVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính trong những năm tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.