Bộ Công thương kết luận nhiều vi phạm của 11 thương nhân đầu mối xăng dầu

25/12/2022 20:01 GMT+7

Thanh tra Bộ Công thương đã công bố kết luận thanh tra 11 thương nhân đầu mối xăng dầu, trong đó chỉ rõ nhiều lỗi vi phạm các quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Thanh tra Bộ Công thương đã ban hành Kết luận thanh tra số 8146 ngày 19.12, kết luận về quá trình thanh tra 11 doanh nghiệpthương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía nam.

PVOil nằm trong số 11 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối xăng dầu được Bộ Công thương thanh tra

Độc Lập

Cụ thể các doanh nghiệp được thanh tra gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP. HCM; Công ty cổ phần tập đoàn Dương Đông; Công ty cổ phần đầu tư Nam Phúc; Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Tổng công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu; Công ty cổ phần thương mại đầu tư khí Nam Sông Hậu; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng tháp.

Theo Thanh tra Bộ Công thương, trong thời kỳ từ tháng 1.2021 đến tháng 2.2022, 11 doanh nghiệp đều có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; văn bản của các cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh xăng dầu.

Nhưng trong thời gian thanh tra, một số doanh nghiệp đã báo cáo kho xăng dầu chưa đúng với thực tế. Một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết giá trị, chưa được cấp lại nhưng vẫn đăng ký trong hệ thống và tổ chức bán hàng là vi phạm các quy định trong Nghị định 99/2020/NĐ-CP.

Thanh tra Bộ Công thương cũng phát hiện một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thay đổi về số lượng đại lý, thương nhân nhượng quyền nhưng không thực hiện báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với việc nhập khẩu xăng dầu theo định mức phân giao, Thanh tra Bộ Công thương cho rằng, vẫn còn một số thương nhân đầu mối không thực hiện nhập khẩu hoặc có nhập khẩu nhưng ít hơn số lượng được phân giao.

Bên cạnh đó, một số thương nhân đầu mối xăng dầu không có hoạt động nhập khẩu trong quý 1 và quý 2 nhưng sản lượng cả năm vẫn đủ theo định mức phân giao. Đối với vi phạm này dù chưa có quy định để xử phạt vi phạm hành chính nhưng theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công thương vẫn có quyền thu hồi giấy phép kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu các doanh nghiệp vi phạm.

Phát hiện vi phạm nhưng không kiến nghị xử lý

Cũng theo kết luận thanh tra, các báo cáo của các thương nhân đầu mối hằng năm gửi về một số vụ, cục của Bộ Công thương đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu; việc duy trì hệ thống theo quy định.

Nhưng theo Thanh tra Bộ Công thương, một số vụ, cục tại Bộ Công thương với vai trò quản lý nhà nước chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này; chậm trễ trong việc phát hiện hành vi vi phạm, kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.

Qua công tác kiểm tra hồ sơ cấp phép của một số đơn vị, đoàn kiểm tra của Bộ Công thương do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.