Hết làm đầu mối, “quên” trả quỹ
Hôm qua (16.12), theo kế hoạch, đoàn công tác gồm có đại diện của Bộ Tài chính và Bộ Công thương làm việc trực tiếp rà soát số dư quỹ bình ổn giá (BOG) tại Công ty CP xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô. Mặc dù doanh nghiệp (DN) đã gửi thông tin việc chuyển nộp số tiền quỹ trên vào ngân sách nhà nước về Bộ Tài chính sau khi chấm dứt chức năng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, để bảo đảm số liệu về quỹ được soát xét đầy đủ, minh bạch, Bộ Tài chính và Công thương cho biết cần trực tiếp rà soát số dư của quỹ tại DN.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được đánh giá là “hết phép” trước biến động lớn giá xăng dầu trong năm qua |
Nhật Thịnh |
Cụ thể, Bộ yêu cầu DN cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động trích lập, chi sử dụng quỹ, số lượng, chủng loại xăng dầu mua vào và bán ra, chứng từ nộp, rút tiền tài khoản quỹ BOG, sao kê… tính từ thời điểm DN thực hiện trích lập, chi sử dụng theo văn bản điều hành của liên bộ Công thương - Tài chính cho đến ngày DN không còn chức năng đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Ngoài 2 DN ngưng hoạt động vai trò đầu mối xăng dầu “quên” trả quỹ thì còn bao nhiêu DN đầu mối vẫn đang hoạt động, nhưng tạm “mượn” quỹ BOG để kinh doanh, Bộ Công thương biết không?
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế
Trước đó, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản gửi Công ty CP xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, (TP.HCM) và Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận) yêu cầu nhanh chóng chuyển hơn 24 tỉ đồng số dư quỹ BOG xăng dầu của 2 DN này vào ngân sách nhà nước. Lý do là cả 2 DN đều không còn tiếp tục hoạt động với vai trò là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nữa nhưng đã “quên” trả lại quỹ đã giữ trước đó. Trong đó, số tiền “quên” nộp lại ngân sách của Công ty CP xăng dầu Thái Sơn B.Q.P là hơn 21,76 tỉ đồng, Công ty CP Dương Đông Hòa Phú hơn 3,76 tỉ đồng.
Thời hạn các cơ quan quản lý đưa ra với 2 DN trên là phải chuyển trước ngày 10.7.2022. Thế nhưng, đến giữa tháng 10 vừa qua, hai công ty trên vẫn chưa nộp tiền quỹ về ngân sách nên Bộ Công thương và Tài chính trao đổi và thống nhất chuyển hồ sơ 2 DN sang cơ quan công an điều tra.
Theo quy định tại Thông tư 103/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ BOG xăng dầu, các DN khi hết hoạt động với vai trò là thương nhân đầu mối, có nghĩa vụ chuyển, nộp toàn bộ số dư quỹ BOG vào ngân sách nhà nước. Quỹ BOG được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít/kg đối với các loại xăng, dầu và việc trích lập BOG được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.
Liên quan quỹ BOG xăng dầu, từ đầu tháng 7 năm nay, trong yêu cầu gửi báo cáo, hồ sơ, tài liệu liên quan việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị các Bộ Công thương, Tài chính, KH-CN, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), Dầu khí Việt Nam (PVN) và các thương nhân đầu mối gửi báo cáo để nắm các thông tin về quỹ BOG xăng dầu. Cụ thể, quy trình trích, sử dụng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và việc niêm yết công khai, công tác kiểm tra, kiểm soát giá xăng dầu…
Quỹ bình ổn đã “hết phép”?
Theo Nghị định 83 và Nghị định 95, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập, hạch toán và theo dõi riêng quỹ BOG bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại VN. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm công bố công khai trên phương tiện thông tin điện tử của DN hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư quỹ và đồng thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Tuy nhiên, những trường hợp DN trì hoãn chuyển quỹ nói trên cho thấy, quỹ BOG đang được giám sát khá lỏng lẻo, nguy cơ bị chiếm dụng rất lớn khi có sự cố xảy ra, đặc biệt khi DN ngưng hoạt động với vai trò là DN đầu mối. Bên cạnh đó, tiền quỹ luôn được báo cáo rất chậm và không phải DN đầu mối nào cũng công khai báo cáo sau mỗi kỳ điều chỉnh giá. Trong khi việc trích giữ quỹ BOG cao khiến giá xăng dầu trong nước mất cơ hội giảm mạnh trong tháng cuối năm. Hiện giá xăng E5 RON92 trong nước bán ra ở mức 20.340 đồng/lít, xăng RON95 21.200 đồng/lít. Nếu không giữ cho quỹ 1.000 đồng/lít xăng như nói trên thì giá xăng nay đã về dưới mốc 20.000 đồng/lít.
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, đặt câu hỏi: “Ngoài 2 DN ngưng hoạt động vai trò đầu mối xăng dầu “quên” trả quỹ thì còn bao nhiêu DN đầu mối vẫn đang hoạt động, nhưng tạm “mượn” quỹ BOG để kinh doanh, Bộ Công thương biết không? Trong khi đó, đã từng có 24 DN bán lẻ xăng dầu kiến nghị bỏ quỹ BOG đi, dự thảo luật Giá cũng muốn bỏ... nhưng quỹ vẫn được duy trì”.
“Quỹ BOG đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Theo quy định DN phải báo cáo về Bộ Công thương, Tài chính, nhưng nay chính các bộ này phải đi soát xét số dư. Quản lý thiếu giám sát, người tiêu dùng, DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu và nhà nước đều không được hưởng lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng quỹ BOG. Như vậy, có cần thiết duy trì quỹ nữa không. Bên cạnh đó, lợi ích từ quỹ BOG với nền kinh tế đến nay chưa có bất kỳ đánh giá đầy đủ nào, ngoài câu kết luận đầy cảm tính của cơ quan quản lý là quỹ BOG cần thiết lắm. Liên quan việc quỹ BOG bị chiếm dụng nữa, thiết nghĩ thị trường xăng dầu cần cuộc kiến thiết lớn”, vị chuyên gia này phân tích.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cũng cho rằng quỹ BOG chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu biến động nhẹ, biên độ tăng giảm rất thấp. Trong khi hiện nay, cả thế giới không thể biết được khi nào giá dầu lên, khi nào xuống và rất dị biệt. Năm 2023 vẫn chưa có dự báo nào ổn định hơn cho giá dầu. Thế nên, ngay cả khi trích giữ quỹ rồi, giá dầu vẫn giảm mạnh đến 1.500 đồng/lít. Quỹ dương hàng nghìn tỉ đồng, vẫn thực hiện việc trích giữ quỹ BOG như quy định bất di bất dịch. Hoặc khi giá thế giới tăng, lại chi ầm ầm, chi đến âm để không có tiền nào bù lại.
“Giá xăng dầu chỉ ổn thực sự khi quỹ BOG ổn, tức là không bị rơi vào tình thế phải chi ầm ầm và trích ầm ầm. Thị trường giá nhiên liệu toàn cầu hiện vẫn biến động khôn lường, nên việc giữ lại quỹ gần như không có nhiều ý nghĩa nữa. Không những thế, việc quản lý không được giám sát kỹ, rõ ràng khiến người dân cũng mất niềm tin về tính minh bạch và lợi ích từ đó”, TS Nguyễn Đức Độ đặt vấn đề.
Từ tháng 8.2022, đã có 24 DN bán lẻ xăng dầu gửi kiến nghị lên Bộ Công thương và UBND TP.HCM yêu cầu sớm bỏ quỹ BOG. Trong thư kiến nghị, các DN này đã nêu 5 vấn đề bất cập trong điều hành xăng dầu và đặt câu hỏi: Tại sao phải trích quỹ bình ổn? Trích quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích Chính phủ đề ra không và có phục vụ tốt cho xã hội chưa? Tại sao để các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa? Như vậy liệu có làm méo mó định nghĩa về tự do kinh doanh không?
Bình luận (0)