Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 ngành Công thương diễn ra sáng nay 9.7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ lo ngại khả năng cao việc nâng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, sẽ được Thường vụ Quốc hội thông qua tới đây, sẽ gây áp lực lên giá xăng vốn đang phải chi sử dụng Quỹ bình ổn để kìm lại.
Theo ông Hải, vì xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, nên thời gian vừa qua liên tục phải sử dụng Quỹ bình ổn để giữ giá mặt hàng này, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang đà đi lên.
Thứ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận, khả năng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua đề xuất tăng kịch trần khung thuế bảo vệ môi trường (từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng lít với xăng) để thực hiện từ 1.10.2018. Khi đó, nếu áp dụng theo khung cao nhất thì có nghĩa là mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng (riêng phần chịu thuế môi trường).
Do vậy, ông Hải cho hay, dự kiến trong cuộc họp về điều hành giá cả của Chính phủ vào ngày mai, 10.7, Bộ Công thương sẽ đề nghị nếu trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho tăng kịch trần khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, thì Bộ đề nghị Chính phủ trước mắt chưa đưa việc tăng thêm 1.000 đồng này vào giá xăng dầu.
Trường hợp phải tăng thì cần có lộ trình rất cụ thể, chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu vào các hoạt động sản xuất và người dân, trong bối cảnh lạm phát nguy cơ tăng cao.
Trước đó, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 4.000 đồng/lít.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất tăng khung thuế trên do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do); chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động khó lường; và dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Bộ Tài chính cho rằng, vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể, xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%).
Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.
Bình luận (0)