Đó là quan điểm của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) khi phân tích những yếu tố ảnh hưởng của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đối với vận hành hệ thống điện.
Điện mặt trời có tính bất định, phân tán
Cục Điều tiết điện lực cho rằng, ĐMTMN là nguồn điện phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, chỉ có tác dụng vào những giờ có ánh nắng. Ban đêm hay ban ngày vào những giờ có mây, mưa, nguồn điện này suy giảm về mức thấp hoặc về 0. Để ổn định nguồn cung cấp điện, sẽ phải đầu tư nguồn lưu trữ phù hợp. Nếu ở quy mô nhỏ là các bộ pin lưu trữ (hiện nay giá thành đang giảm nhưng vẫn còn khá cao), còn quy mô lớn là các nguồn thủy điện tích năng hoặc phải huy động các nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí) điều chỉnh tăng giảm theo độ khả dụng của nguồn điện mặt trời.
Đối với hộ gia đình, công xưởng đã đầu tư ĐMTMN sẽ thấy tính bất định của nguồn điện này. Cụ thể những ngày âm u, mưa gió, công suất giảm, phải mua điện từ lưới điện; ban đêm, khi nhu cầu sử dụng điện cao thì chắc chắn phải mua điện từ công ty điện lực nếu không có phương pháp dự trữ điện.
Ngược lại, những thời điểm bức xạ mặt trời cao, ĐMTMN phát được công suất cao, có lợi cho các chủ đầu tư. Song nếu thời điểm này, công suất sử dụng của toàn hệ thống thấp sẽ dẫn tới dư thừa, phải cắt giảm công suất phát điện. Khi đó, đơn vị điều độ hệ thống điện có hai lựa chọn: cắt giảm công suất các nhà máy điện truyền thống; cắt giảm công suất các nguồn phát năng lượng tái tạo.
Nhưng lựa chọn phương án cắt giảm công suất các nhà máy điện truyền thống là rất nguy hiểm, vì khi các nguồn điện truyền thống có thể điều khiển được bị cắt giảm thì hệ thống có nguy cơ không đáp ứng được nhu cầu trong trường hợp nguồn ĐMTMN có biến động. Do vậy, lựa chọn phổ biến và tất yếu là phải cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo.
Tính bất định của ĐMTMN còn khiến cho hệ thống điện sẽ phải huy động thường xuyên các nguồn điện truyền thống có khả năng điều khiển (thủy điện, nhiệt điện) hoạt động ở trạng thái không liên tục, lên - xuống theo khả dụng của ĐMTMN. Điều này vừa làm giảm sản lượng các nguồn điện truyền thống, do không được chạy ở mức tải cao liên tục, vừa gây hại cho thiết bị, do liên tục phải điều chỉnh lên - xuống hoặc phải khởi động - dừng nhiều lần.
Khó vận hành hệ thống điện
Cục Điều tiết điện lực cho rằng, nguồn ĐMTMN có tính phân tán ở quy mô nhỏ và rất nhỏ, điều này có lợi vì nguồn điện sẽ ở sát với phụ tải và lý tưởng nhất là được sử dụng ngay tại phụ tải, không truyền ra hệ thống.
Không có hệ thống lưu trữ phù hợp, công trình ĐMTMN không đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu sử dụng của hộ gia đình thông thường, dù có đầu tư với công suất bao nhiêu đi chăng nữa. Một hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện cả ngày và đêm, mà vào ban đêm, khi mặt trời lặn, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt lại càng lớn.
ĐMTMN có nhược điểm là khả năng thu thập dữ liệu, điều khiển phục vụ công tác vận hành hệ thống điện rất khó khăn. Hệ thống điện quốc gia được điều độ, chỉ huy tập trung, từ những nguồn điện lớn như thủy điện Sơn La 2.400 MW cho đến nguồn mặt trời mái nhà chỉ vài chục kWp thì đều được vận hành trong một hệ thống thống nhất. Mỗi một hành động, dù chỉ là bật tắt bóng đèn, cho đến khởi động thiết bị công nghiệp lớn..., đều tác động đến cân bằng cung - cầu công suất điện.
Để có thể cân bằng công suất hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều độ phải có hệ thống thu thập dữ liệu công suất từ tất cả các nguồn điện. Đối với ĐMTMN, điều này chỉ có thể thực hiện được với các nguồn quy mô đủ lớn: khu công nghiệp, công xưởng lớn... Còn đối với nguồn quy mô nhỏ cấp hộ gia đình thì không thể thực hiện được. Cơ quan điều độ chỉ có thể đánh giá, dự báo lượng công suất này. Việc dự báo lại không thể hoàn toàn chính xác, dẫn đến khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện.
Nỗi lo lớn về chi phí chung của hệ thống điện
Theo Cục Điều tiết điện lực, các nhà đầu tư ĐMTMN chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư, lắp đặt của hệ thống như: công suất tấm pin, inverter (bộ chuyển đổi từ điện một chiều của tấm pin sang điện xoay chiều của hệ thống điện), hệ khung đỡ, kết cấu chịu lực của mái nhà, điều kiện phòng cháy chữa cháy, đầu tư hệ thống pin lưu trữ... Nhưng từ góc độ của cơ quan điều độ hệ thống điện, chủ đầu tư của các nhà máy điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí) thì sự phát triển ĐMTMN mang đến nỗi lo lớn về chi phí chung của hệ thống.
Chi phí này đến từ nhu cầu sẵn sàng của các nguồn điện truyền thống để đáp ứng tính bất định của các nguồn ĐMTMN. Đơn vị điều độ phải duy trì một lượng nguồn điện truyền thống vận hành ở trạng thái chờ hoặc công suất thấp liên tục trong các giờ có ĐMTMN. Do đó, phải trả chi phí cho các nguồn điện duy trì ở trạng thái này thay vì trả cho điện năng phát ra.
Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, việc duy trì trạng thái sẵn sàng này được coi là một loại dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Chi phí này phụ thuộc vào mức độ biến động của nguồn năng lượng tái tạo như ĐMTMN. Nguồn năng lượng tái tạo biến động càng nhiều, quy mô chi phí này càng lớn.
Ngoài ra, hệ thống điện còn bị ảnh hưởng đến chi phí cơ hội đối với nguồn điện và lưới điện. Đối với nguồn điện, việc xuất hiện nguồn ĐMTMN vừa chia sẻ áp lực cấp điện cho các nhà máy điện truyền thống nhưng lại làm giảm sản lượng từ các nhà máy điện này.
Đối với lưới điện, chi phí cơ hội là khi vẫn phải đầu tư lưới điện cấp điện cho khách hàng (vào ban đêm hoặc khi trời không có nắng) nhưng lại không được bán điện vào ban ngày. Đây là điều khó tránh khỏi, nhưng do sản lượng cấp điện của công ty điện lực giảm đi trong khi đầu tư không đổi, suất đầu tư lưới điện sẽ tăng thêm và vẫn phải được tính cho toàn bộ khách hàng.
Từ những phân tích nêu trên, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, phải có sự thận trọng trong quá trình phát triển ĐMTMN để có thể phát huy ưu điểm, giảm thiểu nhược điểm của nguồn điện này, chỉ nên phát triển ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại phụ tải.
Trước đó, ngày 15.4, Bộ Công thương công bố dự thảo Nghị định về ĐMTMN, trong đó quy định, sản lượng điện này nếu phát vào hệ thống điện quốc gia có giá 0 đồng và không được thanh toán; cấm các hành vi lợi dụng để kinh doanh hoặc bán điện này.
Bình luận (0)