Bộ Công thương nói gì về dự án điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng giai đoạn 2?

26/10/2022 07:50 GMT+7

Dự án điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng (giai đoạn 2) chưa nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; phạm vi, thời điểm khảo sát lắp đặt lidar đo gió phải đảm bảo tuyệt đối vấn đề quốc phòng, an ninh.

Ngày 26.10, thông tin từ Bộ Công thương cho biết ngày 24.10 vừa qua bộ này đã có văn bản phản hồi Bộ TN-MT liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Sóc Trăng do Công ty Công TNHH Mainestream Phú Cường đề xuất.

Dự án điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng giai đoạn 2 chưa nằm trong quy hoạch phát triển điện quốc gia

HỘI ĐỒNG NĂNG LƯỢNG GIÓ TOÀN CẦU (GWEC)

Trước đó, ngày 3.6, Bộ TN-MT đã gửi văn bản đến Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đề nghị tham gia ý kiến về đề xuất xin lắp đặt lidar đo gió trên biển phục vụ dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng (giai đoạn 2) của Công TNHH Mainestream Phú Cường.

Qua rà soát, Bộ Công thương khẳng định dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Sóc Trăng do Công ty Công TNHH Mainestream Phú Cường đề xuất, có công suất khoảng 1.000 MW chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo quy định điều 11 của luật Điện lực thì đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Vì vậy, dự án này chỉ được triển khai đầu tư khi được duyệt trong quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Văn bản của Bộ Công thương cũng lưu ý, Bộ TN-MT về ý kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại văn bản số 5264, ngày 3.10. Cụ thể, vị trí đề xuất lắp đặt lidar đo đạc, khảo sát của của Công ty Mainestream Phú Cường thuộc khu vực lô 31 (là lô dầu khí mở) trong khu vực không có công trình, đường ống dầu khí đi qua, nơi có thể sẽ phát hiện các cấu tạo dầu khí tiềm năng. Do đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ TN-MT xem xét việc cấp phép để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tiềm năng tại khu vực lô 31 sau này.

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ TN-MT thực hiện theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 và khoản 3, điều 8 Nghị định số 11/2021/NĐCP ngày 10.2.2021 của Chính phủ quy định về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Theo đó, nhà phát triển dự án tự bố trí về kinh phí khảo sát phát triển điện gió và chịu mọi trách nhiệm và chi phí trong trường hợp dự án không được cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực hoặc giao nhà đầu tư dự án theo quy định tại luật Đầu tư và luật Đấu thầu; việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu khảo sát theo quy định pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, Bộ Công thương cũng lưu ý, phạm vi khảo sát và thời điểm khảo sát lắp đặt thiết bị lidar đo gió phải đảm bảo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo tuyệt đối về các vấn đề quốc phòng, an ninh theo ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.