Bộ Công thương nói gì về tái khởi động nghiên cứu điện hạt nhân?

23/10/2024 18:47 GMT+7

Phát triển điện hạt nhân là xu hướng tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch năng lượng xanh, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu để phát triển điện hạt nhân đảm bảo an toàn tối đa.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Công thương trong dự thảo luật Điện lực sửa đổi, Nhà nước sẽ độc quyền phát triển và vận hành điện hạt nhân, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 chiều 23.10, lãnh đạo Bộ Công thương đã chia sẻ thông tin về nguồn điện mới này.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công thương), cho rằng khi đặt vấn đề phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và đặc biệt là yếu tố an toàn.

Bộ Công thương nói gì về tái khởi động nghiên cứu điện hạt nhân?- Ảnh 1.

Việt Nam sẽ tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia để phát triển điện hạt nhân

ẢNH: TN

Trước đó, từ năm 2009, Quốc hội đã cho phép thí điểm dự án nghiên cứu phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Nhưng tại thời điểm đó, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ…nên sau đó Quốc hội đã có nghị quyết tạm dừng việc nghiên cứu thí điểm đối với dự án tại Ninh Thuận.

Cũng theo ông Bùi Quốc Hùng, hiện nay trên thế giới điện hạt nhân đã được phát triển ở rất nhiều nước và Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia này. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Bổ sung thông tin này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết trên cơ sở Quy hoạch điện 8 vừa qua, Bộ Công thương đã có nghiên cứu để báo cáo lại với Chính phủ có nên triển khai điện hạt nhân hay không?

"Qua nghiên cứu, Bộ Công thương cho rằng phát triển điện hạt nhân hiện nay là xu thế của thế giới để giải tỏa sức ép phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt hiện nay, nhiều quốc gia đã tăng công suất sản xuất điện hạt nhân cao gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Điển hình là Nhật Bản, điện hạt nhân hiện chiếm 20 - 25% cơ cấu nguồn điện, dù họ có những sự cố điện hạt nhân", ông Tân nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng khẳng định, khi triển khai điện hạt nhân, Việt Nam sẽ áp dụng công nghệ mới nhất. Những công nghệ này đã được áp dụng trong thực tế, với yêu cầu cao nhất là đảm bảo an toàn tối đa, cố gắng đưa mức rủi ro về 0.

 Cũng theo ông Tân, Bộ Công thương vẫn đang xin chủ trương và tiếp tục nghiên cứu điện hạt nhân và sẽ tính tới điều chỉnh quy hoạch điện, từ đó sẽ tính toán để đầu tư.

"Phải làm theo chu trình như thế nên hiện nay cũng chưa xác định được cụ thể thời điểm nào sẽ chính thức làm điện hạt nhân", ông Tân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.