Bỏ đề xuất đại biểu Quốc hội phải báo cáo 'tin xấu, độc'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/11/2022 09:19 GMT+7

Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua bỏ đề xuất quy định trách nhiệm đại biểu Quốc hội phải báo cáo khi nhận được thông tin xấu, độc liên quan tới nội dung kỳ họp.

Sáng 15.11, với 466/468 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi (Nội quy).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình tiếp thu về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội

gia hân

Điểm đáng chú ý trong Nội quy vừa được Quốc hội ban hành là đề xuất quy định trách nhiệm của đại biểu khi nhận được thông tin xấu, độc, không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp đã bị bỏ ra khỏi dự thảo trình thông qua.

Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày sáng nay, cho biết trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì đây không phải là tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội; đồng thời, nội hàm của thông tin xấu, độc không rõ nghĩa, khó thực hiện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ quy định về trình tự xử lý thông tin xấu, độc mà đại biểu Quốc hội nhận được trong kỳ họp vì không có đặc thù cần quy định trình tự xử lý riêng; vấn đề này (nếu có) sẽ được xử lý như đối với thông tin xấu, độc nói chung.

Trong dự thảo trình Quốc hội tại đầu kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định này. Cụ thể, dự thảo quy định: ''Trường hợp đại biểu Quốc hội nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội''.

Tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về nội dung này, một số đại biểu bày tỏ không đồng tình với quy định này và đề nghị bỏ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nói ông tin rằng mỗi đại biểu Quốc hội đều đủ khả năng để phân biệt và xử lý mọi thông tin liên quan đến nội dung kỳ họp và việc quy định như dự thảo vừa khó thực hiện vừa tạo lãng phí không cần thiết.

“Nội hàm của thông tin xấu, độc rất mơ hồ. Nếu không được giải thích rõ ràng thì có thể sẽ gây ra băn khoăn. Tương tự như ý kiến đã được Tổng Thư ký nêu tại báo cáo tổng hợp thảo luận ở tổ về vấn đề này. Đó là đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri gửi đến đại biểu Quốc hội liên quan trực tiếp đến nội dung đang thảo luận tại kỳ họp nhưng có thể trái với tờ trình của các cơ quan thì có coi là thông tin xấu, độc hay không. Quốc hội không phải là một cơ quan hành chính nên những quy định làm phát sinh thêm những thủ tục vừa khó hiểu, vừa khó thực hiện như thế này theo tôi là không cần thiết và nên bỏ quy định này”, ông Đồng nói.

Thảo luận sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng nói khi thảo luận tại tổ ông cũng đã nêu ý kiến giống như đại biểu Đồng và hoàn toàn đồng ý với đại biểu Đồng đề nghị bỏ quy định này.

Bộ trưởng Bộ TT-TT: Sẽ bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng

Chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội có thể yêu cầu dừng phát biểu, tranh luận

Ngoài nội dung nêu trên, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nội quy kỳ họp sửa đổi, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua một điều riêng là Điều 18 về Thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Nội quy quy định, đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất không quá 7 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút. Đại biểu Quốc hội tranh luận mỗi lần không quá 3 phút.

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội mỗi lần không quá 10 phút.

Nội quy cũng quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc phó chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể mời đại biểu Quốc hội phát biểu không theo thứ tự đăng ký, mời đại biểu Quốc hội đã đăng ký phát biểu tranh luận ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu trước đó; yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu hoặc dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung.

Chủ tịch Quốc hội hoặc phó chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thẩm quyền đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài thời gian của phiên họp không quá 30 phút của phiên họp buổi sáng, không quá 60 phút của phiên họp buổi chiều khi thời gian của phiên họp không đủ để tất cả đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận.

Trong thời gian kéo dài phiên họp, đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu lần thứ nhất được phát biểu không quá 5 phút;

Quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung được thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.