Bỏ điều khoản xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc

21/11/2018 04:45 GMT+7

Sáng 20.11, với 452/465 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tuy nhiên, điều khoản quy định xử lý tài sản chưa giải trình được nguồn gốc đã bị bỏ ra khỏi dự thảo, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề mới và rất phức tạp.
Lý giải nguyên nhân bỏ điều khoản này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng đây là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta xử lý. Trong khi đó, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp, nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 của QH khóa 14, sáng 20.11, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, sau gần một tháng làm việc nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, QH khóa 14 đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng. Bà Ngân yêu cầu UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, Chính phủ, MTTQ VN, chính quyền địa phương các cấp, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, chưa làm được.

Cùng với đó, việc phát phiếu cũng cho kết quả hết sức khác nhau, không phương án nào quá bán. Có 209/456 ý kiến, chiếm 43,09% tổng số đại biểu (ĐB) QH tán thành phương án giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến, chiếm 32,16% tổng số ĐBQH tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến ĐB đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành và 51 ĐB không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Với kết quả này, UBTVQH cho rằng nội dung này “cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật”.
Tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, thừa nhận đây là điều khoản rất được quan tâm trong quá trình xây dựng luật. Tuy nhiên, với hàng loạt khó khăn như đã liệt kê ở trên, QH quyết định để lại điều khoản này, đồng thời quy định chặt chẽ, minh bạch hơn biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thanh tra, kiểm toán có thể bị truy tố hình sự nếu để lọt tham nhũng
Trả lời Thanh Niên về việc sau khi bỏ quy định xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc ra thì dự án luật còn gì để thể hiện thái độ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước chống tham nhũng, ông Nguyễn Mạnh Cường lý giải: luật lần này đã được sửa đổi cơ bản, toàn diện và cũng có rất nhiều điểm đổi mới quan trọng. Thứ nhất, luật mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng (PCTN) sang khu vực tư. Thứ hai, luật khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện luật PCTN.
“Nếu như luật hiện hành chỉ là minh bạch về tài sản thu nhập thì lần này chuyển sang chế định kiểm soát, trong đó, hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập được kiện toàn, việc xác minh tài sản, thu nhập sẽ chặt chẽ hơn quy định hiện nay (vốn được cho là hình thức). Cùng với đó, ta bổ sung quy định liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát thu nhập”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, tại luật mới này đã quy định những hình thức xử lý nghiêm khắc hơn với người kê khai không trung thực, như bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử, không được bổ nhiệm, bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch... Thêm một chi tiết đáng chú ý là luật quy định cán bộ kiểm toán, thanh tra cũng bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã kiểm toán mà để lọt tội.
Số lượng tướng công an không quá 199 người
* Bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh
Với 85,77% tổng số ĐB tán thành, ngày 20.11, QH đã thông qua luật Công an nhân dân sửa đổi với 7 chương, 46 điều. Trong đó, điều 25 quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan công an nhân dân quy định rõ bộ trưởng Bộ Công an có quân hàm đại tướng; thượng tướng là thứ trưởng Bộ Công an với số lượng không quá 6 người; trung tướng số lượng không quá 35 người; thiếu tướng số lượng không quá 157 người. Như vậy, tổng số quân hàm cấp tướng trong lực lượng công an nhân dân không quá 199 người.
Một điểm mới trong quy định này là trần quân hàm của giám đốc Công an TP.Hà Nội và TP.HCM được nâng từ thiếu tướng theo luật hiện hành lên trung tướng. Phó giám đốc công an 2 TP này cũng có trần quân hàm là thiếu tướng, nhưng số lượng mỗi đơn vị không quá 3 người. Bên cạnh đó, luật quy định rõ, trần quân hàm thiếu tướng áp dụng đối với giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc T.Ư ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Tuy nhiên, luật giới hạn số lượng không quá 11 người. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ luật, QH đã biểu quyết thông qua điều 25 nói trên với 72,99% tổng số đại biểu tán thành.
* Với 86,19% tổng số ĐB tán thành, QH cũng đã thông qua dự án luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH, sau khi xem xét toàn diện và trên cơ sở kết quả lấy phiếu xin ý kiến nêu trên, UBTVQH đã tiếp thu và chỉnh lý khoản 2 điều 28 dự thảo luật (sửa đổi điều 13 luật Xây dựng) theo hướng không tiếp tục lập quy hoạch xây dựng tỉnh, mà tích hợp nội dung này vào quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, ngoài quy hoạch tỉnh đã được bỏ, quy hoạch chung TP trực thuộc T.Ư tiếp tục được giữ, với lý do không trùng lặp với nội dung quy hoạch tỉnh và phù hợp với luật Quy hoạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.