Nét độc đáo của những tác phẩm này là họa sĩ Lê Sa Long (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) đã khắc họa sinh động hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, tham gia cùng bà con Sài Gòn - TP.HCM trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 bằng những sắc màu cùng sự cảm nhận, tin yêu của một người cầm cọ từng khoác màu xanh áo lính.
Tình quân dân vô cùng gắn bó, đoàn kết |
LÊ SA LONG |
Anh chia sẻ: “Qua thời chiến, những người lính trở về sống trong lòng nhân dân, giúp dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai dịch họa, cứu hộ cứu nạn. Và khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố thân thương, thì những người con của nhân dân lại mang sứ mệnh màu xanh áo lính đi giữa màu đỏ của tâm dịch để giúp đồng bào. Tình quân dân mãi đọng lại trong tim của mọi người con đất Việt. Quân đội đang tiếp tục phát huy truyền thống nghĩa tình, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.
Cũng theo họa sĩ Lê Sa Long: “Với trách nhiệm công dân của người họa sĩ, tôi muốn dùng đường nét và sắc màu của mình làm nên những tác phẩm ghi lại cuộc chiến chống dịch vừa qua. Đó chính là sự tri ân gửi đến Sài Gòn, nhân dân TP.HCM thân thương và những lực lượng tham gia cùng TP đẩy lùi dịch bệnh trong đó có lực lượng quân đội”.
Nói về tác phẩm khiến người xem rưng rưng Phút chia tay con gái của sĩ quan quân y vào Sài Gòn chống dịch, họa sĩ Lê Sa Long kể: “Sáng ngày 23.8, hơn 600 cán bộ, y bác sĩ Học viện Quân y (Hà Nội) xuất quân tiếp sức cho TP.HCM chống dịch. Hình ảnh đại úy Lê Văn Phúc lắng lòng ôm tạm biệt con gái trước giờ lên đường. Bé Minh Anh ôm chặt lấy bố, tranh thủ từng phút giây trước giờ bố lên đường, rồi thỏ thẻ: “Bố đi chống dịch rồi nhanh về với con và mẹ, bố nhé", nhìn mà rớt nước mắt. Còn dược sĩ Phạm Bích Hồng lặng lẽ ghì chặt lấy cánh tay chồng không nói điều gì, nhưng ánh mắt chất chứa niềm tin vào anh - người lính quân y, đã khiến tôi vô cùng xúc động".
Đối với bức tranh Má nhớ thằng Út thì lại là cơ duyên khác. Họa sĩ Lê Sa Long cho biết: “Trong chuyến làm nhiệm vụ 3 ngày 23, 24, 25.8, Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang Quận 12 cùng 416 chiến sĩ của Trung đoàn Bộ binh 5, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) được tăng cường về địa phương kề vai sát cánh thực hiện đồng bộ, toàn diện và quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Đã có hàng chục ngàn phần quà, túi an sinh được các chiến sĩ trao đến người dân. Xúc động hơn cả là hình ảnh các chiến sĩ Sư đoàn 5 phát túi an sinh, trao quà thực phẩm thiết yếu cho người dân Thủ Đức”.
Họa sĩ Lê Sa Long những ngày tháng trong quân ngũ |
Bức tranh Phút chia tay con gái của sĩ quan quân y vào Sài Gòn chống dịch |
Tác phẩm Đón ngoại về nhà |
LÊ SA LONG |
Và trong gian đoạn gian nguy ấy, có một cụ già trên 80 tuổi, cứ gặp các chiến sĩ bộ đội là bà ra nắm tay vuốt ve các anh. Họa sĩ Lê Sa Long tiết lộ: “Sau này tôi hỏi ra mới biết là đó là một Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng từ An Giang lên thăm cháu và kẹt lại Sài Gòn vì Covid-19. Bà nói cho bà ngắm các chú bộ đội vì khi nhìn màu áo xanh bà nhớ tới hình ảnh người con trai út - nguyên Trung úy biên phòng hy sinh khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm buôn ma túy ở An Giang năm 2013”, đó cũng chính là nguyên do để họa sĩ Lê Sa Long hoàn thiện nhanh chóng tác phẩm cảm động này.
Được sự đồng ý họa sĩ Lê Sa Long, Thanh Niên Online xin giới thiệu chùm ảnh về những người lính quên mình, đồng hành cùng nhân dân trong đại dịch Covid-19 qua những tác phẩm mới nhất của anh nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống QĐND Việt Nam.
Những hình ảnh bộ đội Cụ Hồ giúp dân trong đại dịch thật đẹp và cảm động |
LÊ SA LONG |
Bình luận (0)