Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK: Nên hay không?

02/11/2023 06:05 GMT+7

Vấn đề liên quan tới Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ sách giáo khoa nhận được tranh luận của nhiều đại biểu trong ngày họp Quốc hội hôm qua.

CÀNG XÃ HỘI HÓA, GIÁ SÁCH CÀNG TĂNG

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 31.10, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nêu quan điểm Bộ GD-ĐT cần biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK). Bà Hoa viện dẫn Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, nói đây là "nghị quyết gốc", nêu rõ nhiệm vụ biên soạn một bộ SGK của Bộ GD-ĐT. Bà Hoa cho rằng việc Bộ GD-ĐT biên soạn sách sẽ vừa đảm bảo chủ động về nguồn SGK trong mọi tình huống, vừa thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với công tác này.

Bước sang phần tranh luận hôm qua, đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với đại biểu Hoa, và cho biết năm 2014 Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014, đến năm 2020 thì ban hành Nghị quyết 122/2020. Trong 6 năm đó, Bộ GD-ĐT không tổ chức thực hiện biên soạn một bộ SGK mà đẩy toàn bộ việc biên soạn sách cho xã hội hóa, dẫn tới thị trường SGK bị thả nổi, giá tăng không kiểm soát được.

Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK: Nên hay không? - Ảnh 1.

Còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ sách giáo khoa

ĐÀO NGỌC THẠCH

Dù ủng hộ chủ trương kêu gọi xã hội hóa, nhưng ông Sáu cho rằng nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục. "Xã hội hóa SGK là đúng nhưng nên có mức độ phù hợp, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa", ông nói.

Vị đại biểu Đồng Tháp đưa ra một nghịch lý rằng các lĩnh vực khác khi xã hội hóa sẽ đều hạ giá thành sản phẩm, nhưng riêng SGK càng xã hội hóa thì giá lại càng tăng và không có căn cứ nào đảm bảo giá SGK sẽ không tiếp tục tăng. Điều này trái với Nghị quyết 122/2020 về việc nhà nước phải đảm bảo SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân, bởi hiện nay "đi tiếp xúc cử tri ở đâu người dân cũng than phiền giá SGK tăng".

Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK: Nên hay không? - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Sáu nhấn mạnh:"Xã hội hóa SGK là đúng nhưng nên có mức độ phù hợp, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa"

GIA HÂN


B GD-ĐT BIÊN SOẠN SÁCH, LIỆU GIÁ CÓ GIẢM ?

Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) viện dẫn luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và cho rằng không hề có khái niệm "nghị quyết gốc", cũng không hề có sự phân biệt cấp độ giữa các nghị quyết của Quốc hội. "Dù đại biểu Hoa coi Nghị quyết 122/2020 là gì thì các tổ chức, cá nhân liên quan vẫn phải tổ chức thực hiện nghị quyết này", bà Thúy nói.

Vẫn theo bà Thúy, khoản 3 điều 156 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nêu trong trường hợp các văn bản do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau cùng về một vấn đề thì áp dụng quy định tại văn bản ban hành sau. Hơn nữa, luật Giáo dục năm 2019 cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK mà không quy định Bộ GD-ĐT phải biên soạn một bộ SGK. "Xin hỏi luật Giáo dục có phải văn bản quy phạm pháp luật gốc không?", bà Thúy đặt câu hỏi.

Nữ đại biểu nói Quốc hội khóa này có quyền ban hành một nghị quyết có nội dung khác với Nghị quyết 122/2020, "nhưng có nên làm một việc xã hội đã làm", bởi việc thay đổi một chính sách giữa chừng cần có thời gian nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn thận". Bà đề nghị Bộ GD-ĐT thay vì đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK thì nên tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ khiếm thị, khiếm thính, SGK cho trẻ em dân tộc thiểu số, việc này cấp thiết hơn.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) phân tích 2 mục tiêu khi thực hiện chủ trương xã hội hóa SGK: thứ nhất và quan trọng hơn là tranh thủ chất xám, trí tuệ của các chuyên gia, học giả, nhà khoa học, nhà giáo trong lĩnh vực biên soạn sách; thứ hai là huy động tiềm lực kinh tế của xã hội. Theo ông, không chỉ SGK, lĩnh vực nào khi xã hội hóa ban đầu cũng có thể xảy ra chệch choạc, "nhưng chệch choạc ở đâu thì ta sửa ở đó".

Ông Nghĩa đặt giả thiết trường hợp Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn một bộ SGK thì liệu có giải quyết được các vấn đề đặt ra, trong đó có vấn đề về giá sách, hay không. "Nếu cho rằng có vấn đề về giá, chúng ta có thể giải quyết bằng việc huy động cho mượn SGK, ủng hộ sách cho vùng sâu vùng xa, chứ không phải đẻ ra thêm một bộ SGK của nhà nước. Nếu làm mà không giải quyết được thì sẽ xử lý sao?", vị đại biểu nêu quan điểm.

Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK: Nên hay không? - Ảnh 3.

đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ GD-ĐT thay vì đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK thì nên tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ khiếm thị, khiếm thính, SGK cho trẻ em dân tộc thiểu số, việc này cấp thiết hơn.

GIA HÂN

SẼ ĐỀ ĐẠT PHƯƠNG ÁN VỚI QUỐC HỘI

Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn lại nội dung trong báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, nhận định rằng SGK chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo bộ trưởng, đây là đòi hỏi rất cao, rất trách nhiệm của Chính phủ; dù đã làm được những việc quan trọng nhưng ngành giáo dục vẫn sẽ phải làm tốt hơn nữa.

Tuy vậy, ông Sơn cũng lưu ý, nghị quyết giám sát của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK đã ghi nhận hệ thống SGK, tài liệu giáo dục được biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung SGK bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK: Nên hay không? - Ảnh 4.

Về yêu cầu Bộ GD-ĐT soạn một bộ SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội sau

GIA HÂN

Việc biên soạn SGK còn huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến nay, 381 đầu SGK mới được xuất bản với tổng số 194 triệu bản. "Đây là một ghi nhận, một sự cố gắng đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách", ông Sơn nói.

Đối với các tranh luận về việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK của nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng từ nay đến năm 2024, việc quan trọng cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của SGK các lớp 5, 9, 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới. "Còn vấn đề được giao thì chúng tôi sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội sau", ông Sơn nói.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng trả lời về băn khoăn của đại biểu xung quanh con số 213.449 tỉ đồng chi cho đổi mới giáo dục. Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, số tiền này gồm cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Trong đó, chi trực tiếp cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, thẩm định SGK, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, thì chỉ hết 395,2 tỉ đồng. 

Sẽ điều chỉnh lương, chế độ cho giáo viên

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tính đến nay cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên; "con số này tăng không ngừng, vì riêng đầu năm học vừa rồi số học sinh tăng lên rất nhiều", theo ông Sơn.

Không chỉ thiếu, tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp diễn. Đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. "Năm ngoái, cùng với Bộ Nội vụ, chúng tôi đã xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển giáo viên là hơn 26.000. Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, các tỉnh vẫn còn lại 64.000 chỉ tiêu chưa dùng", ông Sơn nói và cho biết nguyên nhân là có nơi dành để giảm 10% biên chế theo yêu cầu, có nơi không có nguồn để tuyển.

Bộ trưởng dẫn ví dụ về giáo viên mầm non, nhiều tỉnh tuyển mà không có người ứng tuyển vì công việc áp lực, lương thấp. "Đấy cũng là vấn đề rất lớn mà chúng ta cần phải đưa ra giải pháp", ông Sơn nêu và cho rằng ngoài việc chuẩn bị nguồn tuyển, cũng cần điều chỉnh lương, chế độ, chính sách, nhà công vụ, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên và các giải pháp khác đồng bộ.

"Vừa qua, ngành giáo dục trong 3 năm liền cũng đã sắp xếp lại hệ thống các điểm trường, đã giảm 3.033 điểm trường, là con số rất đáng kể để có thể chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt hơn. Nhưng đó cũng là một giải pháp, không thể cứ tăng mãi việc sắp xếp này được và cũng mong rằng trong thời gian tới các tỉnh lưu ý để chuyển hết chỉ tiêu", bộ trưởng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.