Sách giáo khoa chỉ là học liệu, công cụ
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đánh giá việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. "Trong thực tiễn, việc thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều SGK" cùng với việc Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ SGK gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK", ông Vinh cho hay.
Ông Vinh cũng cho biết dù có nhiều bộ SGK song nhiều địa phương chỉ chọn một bộ SGK thực hiện chung trên địa bàn cả tỉnh. Phó trưởng đoàn giám sát cũng dẫn báo cáo của Ban Dân nguyện (thuộc UBTVQH) cho hay có 36 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị nên có 1 bộ SGK thống nhất để sử dụng chung trong cả nước hoặc địa phương. Từ đó, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, trình QH xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.
Phát biểu sau khi nghe kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát, UBTVQH bỏ kiến nghị này. "Dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói. Ông Sơn phân tích: Nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT, nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. Trong khi đó, SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ GV để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, GV đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy, có cần QH phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không? Cảm ơn Đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng cách quan tâm này liệu đã phù hợp với SGK với tư cách tồn tại mới của chúng?", Bộ trưởng Sơn nói.
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới. Bộ GD-ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu GV thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà GV sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Do đó, việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK, mà "Hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng cho biết đề nghị của Đoàn giám sát cũng rất khác với nội dung Nghị quyết số 122 năm 2020 (Nghị quyết kỳ họp 9 QH khóa XIV) cho phép Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. "Hiện nay, tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn. Vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề", ông Sơn nói.
Báo cáo Quốc hội quyết định
Đáp lại ý kiến của Bộ trưởng GD-ĐT, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh cho biết quan điểm của đoàn giám sát khác với đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Theo ông Vinh, chương trình chỉ quy định là khung kiến thức nhưng nội dung kiến thức thì được thể hiện trong SGK. Do đó, nếu Bộ GD-ĐT cũng như Chính phủ chỉ giữ vai trò phê duyệt như hiện nay thì không đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nội dung kiến thức giáo dục phổ thông.
Cũng theo ông Vinh, kiến nghị của Đoàn giám sát cũng rất "mở", là "chuẩn bị nội dung một bộ SGK". Theo đó, Chính phủ có thể chỉ đạo việc biên soạn nội dung nếu không có đơn vị nào lo được. Hoặc, Bộ GD-ĐT có thể nhận tặng bản quyền một bộ SGK nếu các đơn vị sẵn sàng hoặc các hình thức khác để nắm được nội dung của một bộ SGK. "Chúng tôi cũng kiến nghị là nếu Nhà nước nắm giữ nội dung của bộ SGK thì không cho phép tính giá bản quyền biên soạn SGK vào giá sách. Đó sẽ là một trong các yếu tố quan trọng làm giảm giá thành của SGK", ông Vinh nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm của Đoàn giám sát, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Đỗ Văn Chiến nói Nghị quyết 88 năm 2014 của QH đã nêu rõ Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK và kiến nghị của Đoàn giám sát là trên cơ sở nghị quyết này. Với Nghị quyết 122 mà Bộ trưởng GD-ĐT nêu, ông Chiến đề nghị phải xem lại tính chất pháp lý của nghị quyết này so với Nghị quyết 88. "Bây giờ nếu việc Nhà nước không biên soạn một bộ SGK là ưu việt hơn thì chúng ta phải sửa nghị quyết. Việc đó cần phải bàn tiếp sao cho thấu đáo, nhuần nhuyễn", ông Chiến đề nghị.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá kỹ hơn về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. "Chúng ta phải nhìn nhận lại việc này. Kinh nghiệm quốc tế đến đâu và chúng ta thực hiện như thế nào. Chúng tôi có hơn 20 năm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chúng tôi cũng nắm được nguyên lý thế giới nói rằng 1 triệu trường phổ thông là một", Chủ tịch QH nói và cho biết nhiều cán bộ lão thành trao đổi với ông cũng đề nghị tiếp tục đánh giá, xem xét chủ trương này.
Về SGK, Chủ tịch QH nói không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng SGK chỉ là học liệu. "Chương trình thiết kế mục tiêu, định hướng cơ bản, còn SGK triển khai về nội dung. Không thể nói SGK không quan trọng được, người dạy muốn dạy gì thì dạy được. Chúng ta nhận xét SGK chỉ là một loại học liệu đơn thuần thì không phải", Chủ tịch QH nêu quan điểm, và đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ vấn đề này.
Nhấn mạnh Nghị quyết 88 của QH đã nêu rõ Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK, Chủ tịch QH lưu ý Nghị quyết 122 chỉ là "giải quyết tình thế" tại thời điểm đó, cho phép SGK nào thị trường biên soạn rồi thì Bộ GD-ĐT không cần biên soạn sách đó. "Nghị quyết 122 không phủ nhận và không thay thế cho Nghị quyết 88. Làm gì có nghị quyết nào nói không thực hiện chủ trương của Nghị quyết 88, không có văn bản nào hết", Chủ tịch QH lưu ý.
Từ đó, Chủ tịch QH bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát, cho rằng cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88 về việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước. "Nếu Chính phủ, Bộ GD-ĐT trong quá trình thực hiện thấy cần điều chỉnh Nghị quyết 88 thì phải báo cáo QH sửa đổi. Cho nên kiến nghị ở đây là kiến nghị Chính phủ báo cáo với QH về lý do tại sao không biên soạn bộ sách này, bây giờ vẫn giữ quan điểm không biên soạn và trình QH để xem xét, quyết định", Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Làm sao để giáo viên thực sự sống được bằng nghề
Báo cáo tại phiên giám sát, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị UBTVQH ngoài nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục. "Cần có nhất lúc này là một nghị quyết giao cho Bộ GD-ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình QH các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục. Đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ GV, làm sao thu nhập đủ để GV thực sự sống được bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt, yên tâm với công việc nặng nhọc, nhiều áp lực", ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích, nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho GV vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… "Nếu không có những cái tối thiểu đó thì ngành giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Trong kiến nghị của Đoàn giám sát có kiến nghị sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi đối với GV. Theo đoàn giám sát, chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút GV tại TP lớn và các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Năm học 2021 - 2022, cả nước có 16.265 GV nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.
Kiến nghị thanh tra mức chiết khấu SGK
Báo cáo của Đoàn giám sát về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đánh giá, việc cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Giá SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2 - 4 lần so với giá SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006; gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng lưu ý, chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Theo Đoàn giám sát, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 đối với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách GV là 15%; năm học 2022 - 2023, đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách GV là 15%.
Từ đó, Đoàn giám sát kiến nghị QH, UBTVQH xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc xác định, sử dụng chiết khấu SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Với Chính phủ, Đoàn giám sát cũng kiến nghị chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; công tác in, phát hành SGK, việc xác định, sử dụng chiết khấu SGK; chuyển cơ quan điều tra khi xác định dấu hiệu vi phạm.
Bình luận (0)