Bộ GD-ĐT có nên tổ chức biên soạn một bộ SGK?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/07/2023 05:30 GMT+7

Chiều 27.7, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ, yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa lại được nhắc lại và tranh luận.

Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu: "Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (SGK). Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn".

Tuy nhiên trên thực tế, đến năm 2020, sau 2 lần đấu thầu tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK bất thành, trong khi có nhiều bộ SGK dưới hình thức xã hội hóa, Bộ GD-ĐT xin không thực hiện việc này nữa.

   Bộ GD-ĐT có nên tổ chức biên soạn một bộ SGK? - Ảnh 1.

Phụ huynh tìm mua SGK theo chương trình mới cho con

ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì sao Bộ GD-ĐT không biên soạn 1 bộ SGK?

Liên quan nội dung này, chiều 27.7, thay mặt Chính phủ, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng báo cáo: "Do không lường trước được khó khăn khi chưa chuẩn bị trước đội ngũ các nhà khoa học tham gia biên soạn SGK nên Bộ GD-ĐT đã không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK. Việc biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử, dịch SGK sang chữ nổi Braille chưa thực hiện được".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết thực hiện chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân liên kết với nhiều nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK để tổ chức biên soạn, đề nghị thẩm định SGK. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông đã có nhiều SGK được phê duyệt đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, SGK mới.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra không ít bất cập khi thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK: SGK được biên soạn còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền; một số từ ngữ mang tính địa phương, phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh… Việc biên soạn SGK theo chương trình mới (thực hiện 1 chương trình, nhiều SGK; xã hội hóa việc biên soạn SGK) lần đầu tiên được áp dụng nên gặp khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Thời gian cho thử nghiệm chương trình, SGK mới rất hạn chế.

Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK lần đầu tiên được thực hiện, không có kinh nghiệm trong quá khứ, trong khi đó việc tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế không áp dụng được nhiều vào bối cảnh nước ta. Lực lượng xã hội hóa tham gia biên soạn SGK theo chương trình mới trong cả nước mỏng, không có nhiều tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm, năng lực phù hợp nên chất lượng còn hạn chế.

"Việc thay đổi quan niệm về vai trò SGK từ chỗ lấy SGK làm chuẩn để dạy học và kiểm tra, đánh giá sang việc dạy học, kiểm tra đánh giá theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình (SGK chỉ đóng vai trò là tài liệu dạy học chính - PV) của giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh và xã hội còn chưa theo kịp yêu cầu mới", ông Nguyễn Kim Sơn báo cáo.

Trong khi đó, đoàn giám sát chỉ ra rằng: Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK theo quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội ảnh hưởng tới trách nhiệm của nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc thực hiện một số chính sách xã hội.

   Bộ GD-ĐT có nên tổ chức biên soạn một bộ SGK? - Ảnh 2.

Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa

Đào Ngọc Thạch

Đề nghị bỏ yêu cầu Bộ GD-ĐT biên soạn SGK

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu: "Trong dự thảo báo cáo, đoàn giám sát đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương xem xét và tổ chức biên soạn 1 bộ SGK. Vậy chúng tôi cũng đề nghị đoàn giám sát, nếu có thể cho biết chi tiết hơn căn cứ vào điểm yếu hay bất cập lớn nào được đúc rút qua quá trình giám sát khiến đoàn thấy đó là căn cứ và thấy cần thiết phải đưa ra yêu cầu này".

Ông Kim Sơn cho rằng: Nếu Quốc hội yêu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu tác động của chính sách và đề xuất cụ thể vì đây sẽ là một thay đổi rất lớn, tác động những năm triển khai tiếp theo của chu trình đổi mới và có thể xem như sự thay đổi chính sách giữa kỳ lớn nhất trong thời điểm này.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng đề nghị: "Đoàn giám sát xem xét, cân nhắc bỏ hoặc điều chỉnh nội dung này, vì việc Bộ, cơ quan quản lý nhà nước đứng ra biên soạn và tự thẩm định 1 bộ sách đưa ra lưu hành là việc xét ra rất khó phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực; trong khi có nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đã tham gia vào công việc này và thực tế nó đang vận hành ngày càng tốt lên. Những khó khăn, vướng mắc của việc Bộ tổ chức biên soạn 1 bộ SGK đã được bộ báo cáo Chính phủ và Quốc hội vào đầu năm 2020 và đã được Chính phủ, Quốc hội đồng ý không biên soạn 1 bộ sách bằng Nghị quyết 122, chỉ biên soạn các sách khi không có đơn vị và cá nhân nào biên soạn. Nay những lý do và nhân tố mà Bộ GD-ĐT trình vẫn còn nguyên, thậm chí khi có nhiều bộ SGK lưu hành trong xã hội thì những khó khăn sẽ gia tăng hơn nếu yêu cầu Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ sách".

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thì cho rằng đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Có thể Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn nhưng cũng có thể bộ chỉ tổ chức biên soạn thôi; không nhất thiết đến lúc này đã có mấy bộ SGK rồi mà chúng ta lại làm thêm 1 bộ SGK nữa.

   Bộ GD-ĐT có nên tổ chức biên soạn một bộ SGK? - Ảnh 3.

Đoàn giám sát lý giải

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Kim Sơn, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát, nhấn mạnh về trách nhiệm của nhà nước đối với nội dung giáo dục phổ thông. Nội dung này phải được xây dựng theo hướng phát triển, cập nhật và điều chỉnh.

"Nếu giao cho tất cả các lực lượng xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc phát triển, cập nhật chương trình. Trách nhiệm của nhà nước ở đâu?", ông Vinh đặt câu hỏi và cho rằng: "Ở đây không chỉ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức còn như ở nhiều nước vẫn có hội đồng quốc gia chịu trách nhiệm về nội dung SGK. Không nhất thiết phải viết bộ SGK mới, cái quan trọng cuối cùng vẫn là nhà nước phải có bản quyền về nội dung 1 bộ SGK và không tính tiền bản quyền về biên soạn SGK, còn các doanh nghiệp có thể khai thác nội dung đó để phát hành SGK, phục vụ cho người dân một cách tốt nhất", ông Vinh nêu quan điểm.

   Bộ GD-ĐT có nên tổ chức biên soạn một bộ SGK? - Ảnh 4.

Năm học 2023-2024, các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 áp dụng sách giáo khoa mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Vinh cũng cho rằng đoàn giám sát muốn nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc rất quan trọng là phải đảm bảo nội dung giáo dục phổ thông, chứ không phải có nhiều bộ SGK rồi thì nhà nước lại biên soạn 1 bộ SGK rồi độc quyền phát hành ra thị trường, triệt tiêu hết lực lượng xuất bản SGK khác.

Hiện, SGK chưa ban hành hết, vẫn còn một số lớp chưa xong. Giả sử nếu các đơn vị xuất bản SGK hiện nay gặp vấn đề gì đó thì cả nền giáo dục phổ thông của nước ta có dừng lại để chờ các nhà xuất bản khắc phục vấn đề của họ xong rồi làm tiếp không?

"Đoàn giám sát muốn nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước đối với nền giáo dục phổ thông, luôn giữ trong tay phương án an toàn nhất, bảo đảm quyền lợi của học sinh, của người dân", ông Vinh lý giải.

Không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước

Việc giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK "chuẩn", "của Bộ" vừa không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước (như quy định tại luật Tổ chức Chính phủ và Nghị định số 86 ngày 24.10.2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT) vừa dễ dẫn đến hậu quả xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK. Nghị quyết 88 của Quốc hội có quy định Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Tới nay, trường hợp đó không xảy ra.

Luật Giáo dục 2019 không quy định về việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK và Nghị quyết số 122 ngày 19.6.2020 của Quốc hội cũng quy định: "Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó".

Ông Ngô Trần Ái (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục VN - VEPIC)

Một loạt vấn đề cần làm rõ về SGK

Ngoài đề nghị về việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK, ông Nguyễn Đắc Vinh cũng thay mặt đoàn giám sát đề nghị Chính phủ bổ sung nhiều vấn đề liên quan đến SGK hiện nay.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của mức chiết khấu trong chi phí phát hành SGK lên giá SGK hiện nay, đoàn giám sát cho rằng mức chiết khấu SGK, sách tham khảo hiện nay là quá cao.

Đánh giá về việc thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Có thể áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không? Sự cần thiết phải sửa đổi quy định về lựa chọn SGK, giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK hướng tới quyền lựa chọn SGK là của học sinh, giáo viên và phụ huynh…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.