NHIỀU Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ SỬ DỤNG THỐNG NHẤT BỘ SGK
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài Sách giáo khoa đến hẹn lại lo, rất nhiều ý kiến bạn đọc bình luận hoặc gửi email tới tác giả, tới tòa soạn đề nghị chỉ nên có một bộ sách giáo khoa (SGK) thống nhất trên cả nước để tránh tình trạng người dân gặp khó khi phải "nhặt nhạnh" từng cuốn SGK cho con như hiện nay.
Đề xuất này không mới, kể từ khi ngành GD-ĐT thực hiện "thay sách" đến nay. Đầu năm 2023, cử tri một số địa phương còn gửi kiến nghị tới Bộ GD-ĐT quay về sử dụng một bộ SGK như cũ. Cụ thể, cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị cần xem xét, quy định thống nhất sử dụng một bộ SGK cho từng lớp học (theo chương trình mới) trong phạm vi cả nước thay vì để từng trường chọn một bộ sách như hiện nay.
Mới đây nhất, tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Hà Nội đã đề nghị UBND TP chỉ đạo ngành giáo dục triển khai đồng bộ, thống nhất việc sử dụng bộ SGK phổ thông trên địa bàn, tránh lãng phí, bức xúc trong nhân dân...
Trong tháng 4 vừa qua, tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với các bộ về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, câu hỏi "nên một chương trình một bộ SGK hay một chương trình nhiều SGK?" cũng được đặt ra.
NhIỀU BỘ SGK LÀ PHÙ HỢP VỚI THÔNG LỆ QUỐC TẾ
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai và tổng kết chủ trương vào năm 2025. Lúc đó, những điều chỉnh cần thiết sẽ được thực hiện.
Về câu hỏi "nên để một chương trình một bộ SGK hay một chương trình nhiều SGK?", ông Nguyễn Kim Sơn, đánh giá từ góc độ chuyên môn, cho rằng ở thời điểm biên soạn và ban hành chương trình, giới chuyên môn đã bàn rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Với một số ý kiến còn khác nhau ở thời điểm hiện tại, ngành GD-ĐT sẽ ghi nhận và phân tích để điều chỉnh ở một dịp phù hợp; còn ở thời điểm đang triển khai, việc điều chỉnh ngay sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện.
Từ góc độ chính sách, ông Sơn nhắc lại quá trình tính toán đề án của Chính phủ để đề xuất một chương trình nhiều bộ SGK, tới yêu cầu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về một chương trình nhiều bộ SGK. Việc có nhiều bộ SGK là phù hợp với thông lệ quốc tế; nhiều bộ sách phù hợp với mục tiêu đề cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của nhà trường và hoạt động của giáo viên mà chương trình mới đặt ra…
Đề xuất mua SGK cho học sinh mượn ra sao ?
Năm 2022, khi dư luận "dậy sóng" về việc giá SGK mới cao gấp 3 - 4 lần, tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức tháng 9.2022, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thông tin Bộ đã giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án nhà nước mua SGK và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn.
Ông Thưởng cho biết lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính và thảo luận một số lần về vấn đề này. Nếu Chính phủ cho phép thì sẽ thực hiện từ năm sau (2023 - PV) và các năm tiếp theo; đồng thời giải quyết được những bức xúc về giá SGK, con em vẫn được học những cuốn SGK tốt, không bị căn bệnh học đường do ảnh hưởng về giấy và chất lượng in.
Tuy nhiên, gần 1 năm qua, đến thời điểm này chưa có thêm bất cứ động thái mới nào từ chủ trương nhân văn này. PV Thanh Niên cũng đã đặt vấn đề này với đại diện Bộ GD-ĐT nhưng đến ngày 14.7 chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.
"Nếu coi chương trình là chuẩn thống nhất, SGK là học liệu thì học liệu đa dạng sẽ tốt hơn chỉ có một học liệu", ông Sơn nói đồng thời nhấn mạnh hiện nay việc đổi mới đang đi giữa chặng đường, nếu điều chỉnh chính sách quy mô lớn tại thời điểm chưa kết thúc quá trình có thể sẽ tạo nên khủng hoảng trong triển khai chính sách…
Từ góc độ thực tiễn, việc triển khai một chương trình nhiều bộ SGK đến nay đã tạm ổn định, địa phương đã chọn lựa nhiều bộ sách đưa vào giảng dạy, giáo viên đã quen với nhiều bộ sách. "Việc này bắt đầu thành một thói quen và dần thành bình thường. Nếu thay đổi lại sẽ làm thay đổi sự bình thường mà ngành giáo dục đã hết sức cố gắng xác lập được trong mấy năm vừa qua", ông Sơn nói và cho rằng đến năm 2025, nếu có thay đổi sẽ xem xét thấu đáo.
SGK SẼ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ TỪ NĂM 2024
Xuất phát từ tính chất SGK là hàng hóa thiết yếu, giá SGK có tác động diện rộng đến các gia đình học sinh trên cả nước; trên cơ sở đánh giá, từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã đề xuất và Chính phủ đã trình UBTVQH bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Bộ Tài chính đã báo cáo UBTVQH về việc đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng phải thực hiện định giá. Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định giá tối đa SGK, còn các nhà xuất bản quy định giá cụ thể, để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động của các nhà xuất bản và tránh sự tăng giá bất thường của mặt hàng này. Quy định này tiếp tục củng cố, tăng cường tính chủ động của các nhà xuất bản nhưng có cơ chế kiểm soát được giá SGK hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát sinh.
UBTVQH cũng cho rằng SGK là mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu dùng rất lớn và giá mặt hàng này tác động trực tiếp tới số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Hiện các nhà xuất bản vẫn cộng chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (28 - 35% giá bìa). Mức chiết khấu trong phát hành SGK phục vụ năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 là 29% giá bìa; năm học 2022 - 2023, mức chiết khấu đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.
Theo luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 19.6.2023, SGK được áp giá trần để có công cụ quản lý, kiểm soát, bảo đảm không tác động tiêu cực người dân. Luật này có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Theo đó, nhà nước sẽ quy định giá trần với SGK.
Bình luận (0)