Đổi mới giáo dục phổ thông: Cơ sở kiến nghị gì với đại biểu Quốc hội ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
11/02/2023 06:09 GMT+7

Đề nghị cải cách tiền lương, xét lại tuổi nghỉ hưu của giáo viên; sớm công bố đổi mới phương án thi, tuyển sinh vào năm 2025… là những kiến nghị của Hà Nội liên quan đến đổi mới giáo dục phổ thông.

Từ ngày 8 - 10.2, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đã tiến hành giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022.

CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG, XEM LẠI TUỔI NGHỈ HƯU CỦA GV

Báo cáo của UBND TP.Hà Nội gửi đoàn giám sát cho thấy TP còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên (GV) cục bộ. Một số GV đơn môn thừa, trong khi GV môn nghệ thuật thiếu. Một số trường có tỷ lệ GV/lớp trung bình thấp, chưa bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày; việc phát triển đội ngũ dạy học yêu cầu tích hợp đang gặp khó khăn.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Cơ sở kiến nghị gì với đại biểu Quốc hội ? - Ảnh 1.

Năm học này là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT với lớp 10

NHẬT THỊNH

Bên cạnh đó, nhiều khu đô thị không có trường học, dân số cơ học tăng nhanh. Diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường có sĩ số học sinh (HS)/lớp còn cao.

Đáng chú ý, trong báo cáo, UBND TP.Hà Nội kiến nghị: "Chính phủ có cơ chế pháp lý việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đối với giáo dục phổ thông; cần cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành GD-ĐT để bảo đảm đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng; đồng thời, xem xét lại quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với GV mầm non, tiểu học, THCS vì GV lớn tuổi khó phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của HS các cấp học này".

Từ phía cơ sở trực tiếp thực hiện đổi mới, bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Q.Đống Đa), chia sẻ với đoàn giám sát những khó khăn về đội ngũ GV dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên. Theo chương trình 2006, nhà trường có 3 GV dạy môn hóa học, 6 GV dạy môn sinh học, 3 GV dạy môn vật lý. Năm học 2021 - 2022 khi triển khai ở lớp 6, các GV được phân công dạy theo mạch kiến thức từng chuyên môn thầy cô được đào tạo nhưng sau khi nhà trường chủ động cho thầy cô đi tập huấn, bồi dưỡng chứng chỉ, đến năm học 2022 - 2023 triển khai ở lớp 7 thì toàn bộ 12 GV đã đảm nhiệm được.

Nói về điều mình tâm đắc nhất khi triển khai chương trình mới, bà Lê Thị Hương Mai, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, cho rằng đó là sách giáo khoa không còn là pháp lệnh và GV được giao quyền tự chủ vô cùng lớn. Quyền tự chủ đó yêu cầu thầy cô phải có năng lực, trình độ cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, GV dạy toán Trường THPT Tây Hồ (Q.Tây Hồ), cũng phân tích: Trước đây, GV là người truyền thụ kiến thức, chủ yếu theo phương pháp giảng. Với chương trình mới, HS tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, cùng trao đổi để giải quyết vấn đề, GV là người định hướng, dẫn dắt. "Đó là một trong những thay đổi lớn nhất tôi nhận thấy sau hơn một học kỳ giảng dạy lớp 10", ông Hoàng nhận xét.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Cơ sở kiến nghị gì  với đại biểu Quốc hội ? - Ảnh 2.

Học sinh đang theo học chương trình giáo dục mới

NHẬT THỊNH


I ĐƯỜNG KHÔNG BIẾT ĐI ĐÂU MỚI LÀ CÁI NGUY"

Phát biểu tại các cuộc làm việc, với tư cách là đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ Bộ GD-ĐT chính là nơi "thu hoạch" được nhiều nhất từ cuộc giám sát của Quốc hội lần này. Những trao đổi của thầy cô cho thấy thầy cô nắm rất chắc, thấy rõ cả tinh thần, những điểm tinh tế, quan trọng của chương trình. "Đây là điều mừng nhất. Thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng là việc lớn nhưng sẽ không lớn bằng việc thầy cô chưa thấm được chương trình. Đi đường mà không biết đi đâu, đó mới là cái nguy", Bộ trưởng Sơn nói.

Đề nghị sớm có phương án tổ chức thi và tuyển sinh năm 2025

Một trong những đề xuất chung được GV, lãnh đạo các trường THPT ở Hà Nội gửi tới đoàn giám sát và Bộ GD-ĐT là mong sớm có phương án tổ chức thi THPT và phương án tuyển sinh ĐH năm 2025 (năm những HS đầu tiên học theo chương trình mới tốt nghiệp THPT) để HS, GV, nhà trường có định hướng giảng dạy, học tập.

Ông Sơn khẳng định quan điểm "không thể bàn lùi" trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề cập tới vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, ông Sơn cho rằng chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc thực sự thì những khó khăn như thừa thiếu GV, tuyển dụng GV, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ… mới giải quyết được.

Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, cần đánh giá từng chặng, từng bộ phận, lãm rõ những việc đã làm tốt, những việc còn vướng mắc. Đặc biệt, phải đánh giá được "phần lõi" là lực lượng nhà giáo, sự vào cuộc của đội ngũ, những thay đổi về kỹ năng, phương pháp của nhà giáo - khâu quyết định của đổi mới; cùng với đó là những thay đổi trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, quản trị trường học… "Đổi mới là quá trình, không thể trong một sớm, một chiều. Quyết tâm triển khai cao nhưng cần hết sức bình tĩnh, tự tin, làm tốt từng việc. Những cái cơ bản, cốt lõi, không thể khác thì cần làm ngay, còn lại hoàn thiện dần và tăng cường kiến nghị", ông Sơn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.