Bộ GD-ĐT chỉ đạo, nhà xuất bản hứa hẹn, sách giáo khoa vẫn thiếu

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
30/08/2022 09:29 GMT+7

Bộ GD-ĐT chỉ đạo, nhà xuất bản cũng hứa hẹn nhưng đến ngày tựu trường, nhiều học sinh lớp 10, “lứa” đầu tiên học theo chương trình và sách giáo khoa mới vẫn chưa mua đủ sách giáo khoa.

"Hết hàng rồi chị, cháy hàng rồi chị"

Ngày 29.8, Bộ GD-ĐT ban hành công văn gửi giám đốc các sở GD-ĐT yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó nhiệm vụ “bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học”.

Nhiều phụ huynh than thở vì đi khắp nơi không mua đủ bộ sách gióa khoa mới của lớp 10

n.d

Tuy nhiên, ngày 29.8 học sinh các cấp học trên cả nước đã đồng loạt tựu trường, riêng khối lớp 10 ở ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình cho biết vẫn chưa mua đủ sách giáo khoa mới cho con.

Một phụ huynh chia sẻ: Tôi năm nay có con học lớp 10, tới ngày tựu trường, chạy hết các nhà sách, đặt mua sách ttrực tuyến nhưng vẫn chưa đủ bộ sách cho con, luôn nhận được câu nhân viên thông báo "hết hàng rồi chị" "cháy hàng rồi chị"... Thực sự rất nhiều phụ huynh giống như tôi bức xúc vì chỉ có mỗi việc mua sách cho con học thôi mà tốn rất nhiều thời gian…

Nhiều phụ huynh có con theo học lớp 10 Trường THPT Trung Văn (Hà Nội) cho biết: khi nhập học lớp 10 hồi tháng 7, nhà trường hướng dẫn phụ huynh có thể đăng ký nhờ trường mua hộ các đầu sách giáo khoa. Song mới đây họ lại nhận được thông tin từ giáo viên chủ nhiệm là do gặp vấn đề trong việc cung ứng nên có thể năm học mới chưa kịp có sách giáo khoa.

Ông Đỗ Mạnh Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Văn, xác nhận việc này và cho rằng một số đơn vị cung cấp chậm cung ứng sách giáo khoa cho nhà trường.

Cụ thể, năm nay, theo Chương trình phổ thông mới, không phải tất cả học sinh sẽ cùng học một bộ sách giáo khoa như trước đây. Theo hướng có môn học tự chọn, có những lớp dùng sách này, lớp dùng sách kia nên phức tạp hơn so mọi năm.

“Do có môn học lựa chọn bộ này, có môn chọn bộ kia nên nhà trường đặt mua sách của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và sách của bộ Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sách vẫn chưa kịp về”, ông Thành nói.

Ông Thành cho hay, ở thời điểm tuyển sinh, nhà trường cũng chưa biết số lượng mỗi đầu sách cần đặt là bao nhiêu bởi phụ thuộc vào nguyện vọng đăng ký các môn học lựa chọn của học sinh sau trúng tuyển. Tuy nhiên, nhà trường đã đăng ký với đơn vị phát hành sách giáo khoa từ cuối tháng 7.

“Chúng tôi đăng ký mua sách từ hè, tính đến nay cũng được khoảng 1 tháng, lúc đầu các đơn vị phát hành hứa, sau lại bảo là không có sách và phải đi gom ở các tỉnh khác về,...” ông Thành cho biết và nói đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm thông tin đến cha mẹ sinh nếu có chỗ nào mua được những đầu sách mà lớp con dùng thì chủ động.

Trong trường hợp không có sách giáo khoa đầu năm học mới, ông Thành nêu dự kiến sẽ sử dụng bản mềm sách giáo khoa điện tử để trình chiếu hoặc photo tạm phát cho học sinh một số bài học của một vài tuần đầu.

Danh mục sách giáo khoa lớp 10 theo chương trình mới
NXB GDVn

Lời hứa cung ứng đủ của nhà xuất bản?

Trước đó, Báo Thanh Niên đã phản ánh phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng vẫn không mua đủ bộ sách giáo khoa lớp 10 cho học sinh. Sau đó, trong thông cáo báo chí về việc cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới vào đầu tháng 8.2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, lý giải: năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai áp dụng sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đây là một thử thách lớn đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc cung ứng sách giáo khoa theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng.

Đặc biệt, đối với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.

Mặc dù vậy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Đã triển khai bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách và số lượng cần cung ứng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu”.

Việc phụ huynh phải tìm khắp nơi không mua đủ sách giáo khoa cho con khi mà năm học mới đã bắt đầu khiến dư luận một lần nữa nhắc lại lời hứa trên của nhà xuất bản có sách giáo khoa phát hành số lượng lớn nhất trong năm học này. Có phụ huynh chua chát nói: "Tôi thắc mắc với mấy cô bán hàng là báo thấy nói không thiếu sách giáo khoa, các cô ấy nhìn nhau cười rồi bảo thế chắc chị phải lên báo mà mua rồi”….

Vẫn chờ mua sách giáo khoa cho học sinh mượn

Dư luận cũng đặt câu hỏi về chủ trương mà Chính phủ yêu cầu sớm xây dựng kế hoạch trình Chính phủ phê duyệt việc dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn ngay trong năm học 2022 - 2023 đã được Bộ GD-ĐT chủ trì, thực hiện đến đâu?.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thư viện trường học được trang bị đủ các sách giáo khoa thì những đầu sách ít học sinh chọn, khó mua thì nhà trường có thể cho học sinh mượn thay vì phải lao tâm khổ tứ chạy khắp nơi tìm mua mà con vẫn không có sách học.

Mới đây nhất, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thúc giục Bộ GD-ĐT sớm triển khai việc này khi yêu cầu: "Bộ GD-ĐT phải tiếp tục đốc thúc, Bộ trưởng GD-ĐT phải trực tiếp bàn với Bộ trưởng Tài chính để thống nhất văn bản trình Thủ tướng Chính phủ… Nếu không làm nhanh, đầu năm học không kịp thì xã hội chỉ biết là do Bộ GD-ĐT thôi. Cái này tôi đề nghị lãnh đạo các tỉnh thực sự quan tâm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.