Bộ GD-ĐT công bố các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất 3 năm liên tục

Hà Ánh
Hà Ánh
30/11/2022 19:47 GMT+7

Bộ GD-ĐT công bố 4 lĩnh vực đào tạo đứng đầu danh sách tuyển sinh kém nhất liên tục trong 3 năm liền.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH

Đ.N.T.

Những ngành nào tuyển sinh kém nhất?

Thông tin trên được nêu ra tại cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm của Bộ GD-ĐT sáng 30.11.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, thống kê số liệu tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu. Nhưng bên cạnh đó, một số trường tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo.

Trong đó, báo cáo này chỉ ra, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu thuộc nhóm trường tư thục chưa có đủ uy tín, thương hiệu mạnh và một số trường công lập, phân hiệu trường công lập không có lợi thế về địa điểm hoặc lĩnh vực đào tạo. Thống kê cũng cho thấy trừ một số trường hợp ngoại lệ thì phần lớn trường tuyển kém trong đợt 1 năm 2022 cũng tuyển kém trong 2 năm gần đây.

Đặc biệt, trong 3 năm liên tục có 4 lĩnh vực đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất: nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội.

Danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo. Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng luôn đạt chỉ tiêu rất thấp.

Thống kê số lượng đạt được so với chỉ tiêu các ngành khó tuyển trong 3 năm của Bộ GD-ĐT

từ tài liệu hội nghị

Trong khi đó, nhiều ngành tuyển quy mô lớn trong toàn hệ thống, đạt chỉ tiêu tương đối cao nhưng lại gặp khó khăn ở một số cơ sở đào tạo. Như vậy, việc dễ tuyển hay khó tuyển không chỉ do đặc điểm ngành đào tạo mà phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở đào tạo, theo Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT đánh giá các chương trình liên kết đào tạo quốc tế có xu hướng kém hấp dẫn hơn những năm trước đây. Nhiều trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với các chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Theo nhận định chung từ Bộ GD-ĐT, hầu hết trường tuyển sinh kém là những trường chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu hoặc không có lợi thế về địa điểm và lĩnh vực đào tạo. Hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Nguyên nhân trường tuyển sinh kém so với chỉ tiêu

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng phân tích một số nguyên nhân của việc tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra. Bộ GD-ĐT cho rằng kết quả tuyển sinh phụ thuộc một cách quyết định vào sự lựa chọn trường, chọn ngành của thí sinh và chiến lược tuyển sinh của mỗi trường.

Thứ nhất là việc cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ hơn. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín của mỗi trường, trở thành yếu tố thành công cốt lõi trong chiến lược phát triển của mỗi trường. Xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.

Thứ hai, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 tăng khoảng 5% so với năm 2021. Số thí sinh tốt nghiệp THPT tương đương như năm trước, cộng thêm một tỷ lệ không nhỏ chọn đi du học ở nước ngoài.

Trong khi đó, một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được các trường gia tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường ĐH tư thục, giành thị phần của các trường khác. Một số trường xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút thí sinh, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng. Sau thời gian 2 năm dịch bệnh, những thí sinh gia đình có điều kiện về tài chính lựa chọn đi du học ở nước ngoài thay vì theo học các chương trình trong nước hay các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Tân sinh viên trúng tuyển nhập học năm nay

Ảnh minh hoạ hà ánh

Thứ ba, do bối cảnh kinh tế xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

Bộ GD-ĐT lưu ý nhiều cơ sở đào tạo nếu không nhận biết kịp xu hướng này và có điều chỉnh kịp thời và phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh, sẽ không thu hút được thí sinh vào trường.

Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới. Nhiều ngành đào tạo truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế xã hội của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp của nhà nước để thu hút người học.

Thứ tư, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, các vùng có điều kiện khó khăn, đã hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục ĐH của một bộ phận học sinh. Trong khi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giảm dần, hầu hết những trường có uy tín đều ở thành phố lớn, đầu tư nhiều cho chất lượng đào tạo đều phải tăng dần mức học phí để bù đắp chi phí.

Cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm của Bộ GD-ĐT sáng nay còn có nhiều ý kiến đóng góp về công tác tuyển sinh năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.