Bộ GD-ĐT đang biên soạn chương trình tiếng Anh cho trẻ 'làm quen' từ 3 tuổi

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/09/2020 15:33 GMT+7

Bộ GD-ĐT mới đây đã tổ chức họp lấy ý kiến hoàn thiện thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh được xây dựng với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 - 6 tuổi trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu.
Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Chương trình mang tính chất khung, nội dung gồm những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc phát triển tài liệu, học liệu và tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh.
Trẻ sẽ bước đầu hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng; góp phần phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Phương pháp giáo dục cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh nhấn mạnh vào việc hình thành năng lực giao tiếp với nhóm các phương pháp chủ đạo gồm: thực hành trải nghiệm, dùng lời nói, trực quan minh họa, giáo dục bằng tình cảm, nêu gương, khích lệ, khuyến khích phản hồi của trẻ bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đang giao Vụ Giáo dục mầm non tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, làm rõ hơn nội dung và phương pháp học tập;... sớm hoàn thiện văn bản để khi dự thảo thông tư đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận phải đảm bảo được yêu cầu cao về các nội dung đề ra.

Tiếng Anh cho trẻ mầm non vẫn đang "thả nổi"?

Từ năm 2013, Báo Thanh Niên đã có loạt bài Thả nổi tiếng Anh mầm non phản ánh rất nhiều bất cập về việc tùy tiện đưa tiếng Anh vào dạy cho trẻ mẫu giáo. Sau đó, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ yêu cầu tất cả các địa phương dừng việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non dưới mọi hình thức, kể cả chương trình ngoại khóa khi chưa có chỉ đạo của Bộ.
Theo vị lãnh đạo này, mọi hình thức liên kết đều không đúng quy định với mầm non. Ở cấp tiểu học, Bộ có chỉ đạo, có công khai chương trình nào đã được thẩm định,… vì bậc học này có cho phép đưa tiếng Anh vào giảng dạy như môn học tự nguyện đối với học sinh lớp 1 , 2 (ngoài chương trình ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3), còn mầm non thì Bộ chưa cho phép nên không có chỉ đạo.
Đến nay, sau gần chục năm, theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non vẫn đang "trăm hoa đua nở", mỗi nơi dạy một chương trình, tài liệu khác nhau. Hình thức chủ yếu là các trường liên kết với trung tâm ngoại ngữ ở bên ngoài, đưa tiếng Anh vào trường và tổ chức dạy ngoài chương trình chính thức. 
Không ít trường hoặc nhóm lớp tư thục thì đưa tiếng Anh vào giảng dạy như một cách để khẳng định mô hình trường "chất lượng cao", trường "song ngữ", trường "quốc tế",... và thu học phí rất cao. 
Với các trường công, phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Anh phải trả thêm một khoản phí không nhỏ mỗi khóa học hoặc theo từng tháng, nhưng chất lượng không ai kiểm soát vì đây không phải là chương trình bắt buộc.
Như vậy, việc Bộ GD-ĐT xây dựng Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh là một động thái Bộ sẽ chính thức cho phép dạy tiếng Anh trong trường mầm non theo hình thức tự chọn. Sự cần thiết và khả thi của chủ trương này đến đâu sẽ được bàn thảo có cơ sở hơn khi Bộ công bố dự thảo chương trình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.