Theo Bộ GD-ĐT, quy định của luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Thực tế, do đặc thù, tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và kết thúc thời gian làm việc muộn.
Trong suốt thời gian của buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức, thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em hiếu động... cần sức khỏe tốt, phản xạ nhanh.
Đối với giáo viên mầm non, khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non.
"Bộ GD-ĐT nhận thấy việc quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định là rất phù hợp; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có tuổi nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định", Bộ GD-ĐT đề xuất.
Cụ thể, cơ quan này đề nghị bổ sung điểm đ vào khoản 1 điều 71 dự thảo luật như sau: "Người lao động là giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục có tuổi thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định tại điểm a khoản này và có ít nhất 15 năm công tác đúng vị trí việc làm".
Cần đánh giá tác động chính sách giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm
Ngoài đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mần non, Bộ GD-ĐT nhất trí về sự cần thiết sửa đổi bởi luật BHXH 2014 đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập cần sửa đổi, điều chỉnh, như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về BHXH vẫn còn khoảng trống.
Bên cạnh đó, quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trong khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Một số chế độ BHXH chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của BHXH; quy định về công nghệ thông tin, công nghệ, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại 4.0, chuyển đổi số...
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng chế độ hưu trí như trong dự thảo sẽ khuyến khích người dân đóng BHXH tự nguyện, giảm tình trạng rút BHXH 1 lần.
Tuy vậy, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp bởi nguyên tắc cơ bản là đóng - hưởng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại).
Đối với người lao động có tiền đóng BHXH hằng tháng thấp, thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật cân nhắc và bổ sung thêm luận chứng trong đánh giá tác động chính sách.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, có nên giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non xuống 55
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)