Bộ GD-ĐT 'điều chỉnh' môn tích hợp thế nào?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/10/2023 06:05 GMT+7

Bộ GD-ĐT mới ban hành văn bản hướng dẫn dạy môn tích hợp sau khi có nhiều ý kiến xung quanh dạy học môn này trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể, văn bản về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng ký, nêu thực tế triển khai dạy tích hợp thời gian qua cho thấy việc phân công giáo viên (GV) và xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học còn khó khăn, vướng mắc.

Bộ GD-ĐT 'điều chỉnh' môn tích hợp thế nào? - Ảnh 1.

Một buổi học tích hợp môn khoa học tự nhiên của học sinh lớp 7 tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Do vậy, Bộ GD-ĐT đưa ra một số lưu ý các nhà trường thực hiện việc phân công GV, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đồng thời có xây dựng khung kế hoạch dạy kèm theo để các cơ sở giáo dục tham khảo.

Môn khoa học tự nhiên dạy theo mạch nội dung

Ở môn khoa học tự nhiên (cấp THCS), Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường phân công GV bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của GV với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung chất và sự biến đổi của chất, năng lượng và sự biến đổi, vật sống, trái đất và bầu trời).

"Việc phân công GV đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của GV để bảo đảm chất lượng dạy học", văn bản của Bộ nêu.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo tiếp tục xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch nội dung theo chương trình môn học. Trong trường hợp khó khăn về xếp thời khóa biểu, cần linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình để xếp thời khóa biểu phù hợp với việc phân công GV, đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm (bảo đảm nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau) và khả năng thực hiện của GV.

Về thực hiện kiểm tra, đánh giá, Bộ GD-ĐT hướng dẫn kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; GV dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá với nội dung đó. Hiệu trưởng phân công GV chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với GV cùng dạy học môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá thường xuyên, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá HS và học bạ. Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kỳ được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình đến thời điểm kiểm tra. Hướng dẫn học sinh (HS) làm bài kiểm tra sao cho thuận tiện trong việc phân công GV chấm bài, tổng hợp kết quả.

Bộ GD-ĐT 'điều chỉnh' môn tích hợp thế nào? - Ảnh 2.

Học sinh trong giờ học môn sử-địa lý. Với môn học này, theo hướng dẫn mới, các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý thay vì học theo mạch kiến thức như môn khoa học tự nhiên.

ĐÀO NGỌC THẠCH

Lịch sử và địa lý dạy đồng thời các phân môn

Với môn lịch sử và địa lý, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường phân công GV bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo của GV với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn lịch sử, địa lý và các chủ đề liên môn). Việc phân công GV đã được đào tạo, bồi dưỡng đảm nhận toàn bộ cả 2 môn phải được thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của GV để đảm bảo chất lượng dạy học.

Với môn học này, Bộ hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý thay vì học theo mạch kiến thức như môn khoa học tự nhiên. Các phân môn này cũng được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Nội dung bài kiểm tra đánh giá định kỳ với môn lịch sử và địa lý phải phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học theo từng phân môn tính đến thời điểm kiểm tra. Hiệu trưởng phân công GV chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các GV cùng dạy môn học ở lớp đó để tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá HS và học bạ.

Bộ GD-ĐT 'điều chỉnh' môn tích hợp thế nào? - Ảnh 3.

Ở môn khoa học tự nhiên (cấp THCS), Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bộ trưởng GD-ĐT từng nói sẽ "điều chỉnh" lớn với môn tích hợp

Mới đây, Báo Thanh Niên có loạt bài phản ánh ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục về quá nhiều bất cập của việc triển khai dạy học các môn tích hợp ở cấp THCS. Tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) chiều 27.7, khi đại biểu nêu các khó khăn, bức xúc của cơ sở khi dạy học tích hợp, Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho biết: "Bộ đã nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là một thách thức lớn đang đặt ra" và cho rằng: "Môn tích hợp là câu chuyện "quả trứng và con gà". Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu phải tích hợp một số môn học ở cấp THCS. Nếu chương trình không thiết kế môn tích hợp thì các trường sư phạm không có căn cứ để đào tạo GV dạy tích hợp. Khi bắt đầu thực hiện thì phải dùng đội ngũ GV cũ, tập huấn dần để chuyển đổi chứ không thể đợi đến 4 năm đào tạo GV dạy tích hợp ra trường rồi mới thực hiện chương trình này".

Do vậy, theo Bộ trưởng GD-ĐT, môn tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường: một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó GV cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất. Phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này.

Ngày 15.8, tại buổi gặp gỡ với nhà giáo trên toàn quốc, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết việc triển khai tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, Bộ GD-ĐT đã tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, mục tiêu là phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Song khi triển khai thực tế vẫn gặp rất nhiều điểm vướng mắc. Khó khăn nhất là việc triển khai các môn tích hợp.

Bộ GD-ĐT 'điều chỉnh' môn tích hợp thế nào? - Ảnh 4.

Giáo viên trên cả nước rất mong chờ sự điều chỉnh cụ thể từ Bộ GD-ĐT với môn tích hợp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Người đứng đầu Bộ GD-ĐT nói: "Từ việc kiểm tra, thu thập ý kiến chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, GV tại các địa phương, Bộ nhận thấy đây là điểm nghẽn, điểm khó. Đã có một số GV có thể dạy được tất cả các học phần trong môn tích hợp, nhưng đa số vẫn dạy theo các môn riêng biệt. Nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dù việc tập huấn GV đã được triển khai nhưng vẫn gặp những khó khăn lớn.

Căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy học các môn tích hợp bậc THCS. Chúng ta vẫn kiên trì việc dạy tích hợp ở bậc tiểu học vì đã làm tốt từ trước tới nay, nhưng riêng bậc THCS, Bộ sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh. Có thể đây sẽ là điều chỉnh lớn nhưng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục".

Sau phát biểu này của Bộ trưởng, GV trên cả nước rất mong chờ sự điều chỉnh cụ thể từ Bộ với môn tích hợp. 

Hoạt động trải nghiệm: Không bắt buộc chia đều số tiết/tuần

Với hoạt động trải nghiệm, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các trường phân công GV có năng lực, chuyên môn phù hợp, nhưng ưu tiên bố trí GV phụ trách theo từng chủ đề. Ví dụ, đối với các chủ đề hoạt động hướng tới tự nhiên, GV địa lý sẽ có ưu thế trong việc tổ chức cho HS tìm hiểu, huy động các kiến thức và kỹ năng về bảo vệ môi trường…; đối với chủ đề hướng nghiệp, GV công nghệ sẽ có ưu thế trong việc tổ chức cho HS tìm hiểu kiến thức về trang thiết bị, dụng cụ lao động và kỹ năng an toàn…

Tại hướng dẫn, Bộ GD-ĐT cũng lưu ý việc xây dựng thời khóa biểu đảm bảo sự linh hoạt, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần, không bắt buộc thực hiện lần lượt các chủ đề theo trình tự trong SGK. Hình thức tổ chức hoạt động, kiểm tra đánh giá cũng được triển khai linh hoạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.