Bộ GD- ĐT: Giáo viên, học sinh không được lên mạng làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục!

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
02/05/2019 20:11 GMT+7

Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều về quy định giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin, hình ảnh làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục.

Từ ngày 28.5, Thông tư "Quy đinh quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên" của Bộ GD-ĐT quy định giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội bình luận làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục sẽ có hiệu lực.
Bộ quy tắc này có những quy định đáng chú ý: 
- Không sử dụng mạng xã hội để phán tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin và hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
- Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rồi, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
- Ứng xử của giáo viên với đồng nghiệp, nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ, tôn trọng sự khác biệt, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp. Không xúc phạm, vô cảm, gấy mất đoàn kết.
- Ứng xử của giáo viên với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực bao dung, trách nhiệm, yêu thương. Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học… Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi, trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che dấu các hành vi vi phạm của người học.
Nên hay không nên?
Thầy giáo Phạm Quốc Đạt (Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM), nhân vật chính trong câu chuyện Báo Thanh Niên phản ánh vừa qua "Giáo viên cho học sinh diễn cảnh nóng: nên hay không?" phản đối quy định này rất mạnh mẽ. Chính thầy giáo này cũng sử dụng mạng xã hội để có thể đưa câu chuyện của mình ra dư luận, giúp mọi người hiểu hơn về sự việc. 
Thầy giáo Đạt chia sẻ: "Bộ quy tắc này ra đời sẽ là phương tiện rất thuận lợi để cấp quản lý áp dụng "triệt để" hơn là triển khai thực hiện tốt việc ứng xử đạo đức, tốt đẹp trong nhà trường. Quy định này có vẻ đi ngược lại quyền tự do ngôn luận của công dân trong Hiến pháp".
Riêng về phía học sinh, thầy giáo Đạt cho rằng: "tại sao lại nghiêm cấm học sinh phát biểu, bình luận?". Cấp quản lý, thầy cô cũng nên lắng nghe những ý kiến trái chiều hoặc bình luận từ phía học sinh, không nên cấm đoán. Và không nên lấy điều đó để răn đe, trừng phạt khi học sinh dám nói lên chính kiến trái ý giáo viên. Mối quan hệ trong quy tắc ứng xử ở đây phải là đa phương (học sinh - giáo viên - nhà trường - gia đình - xã hội), không thể là áp đặt, phiến diện như quy định này. 
Tuy nhiên, đứng ở phía ngược lại, cô giáo Lê Hoàng Phi Yến (Trường THCS Kiến Thiết, Q.3, TP.HCM), lại cho rằng điều khoản này trong quy định không có vấn đề. Cô Yến từng rất nổi tiếng sau khi đưa lên Facebook một clip giải thích về cách dạy "vuông - tròn - tam giác" gây "bão" trên mạng xã hội.
Cô Phi Yến cho rằng quy định không lan truyền thông tin xấu trên mang xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến giáo dục, chứ không phải cấm lên tiếng. Vì nếu không ngăn cấm, nhiều học sinh hoặc người khác, trong cơn nóng giận đưa ra những câu chuyện chưa đúng, hoặc phiến diện, cũng có thể tạo dư luận xấu. Đặc biệt, trong ngành giáo dục hiện nay, quá nhiều ý kiến tiêu cực, trong khi điểm tốt lại ít được quan tâm, khiến phụ huynh hoang mang, mất lòng tin vào giáo viên và nhà trường. Như vậy, giáo viên rất khó trong việc giáo dục trẻ. Nên cần hạn chế điều này.
"Những điều học sinh bức xúc, có thể giải quyết trong hiện thực. Vì mạng xã hội ảo lắm, nó chỉ khiến sự việc rối rắm thêm. Vả lại tâm lý tiêu cực dễ bị lan toả, khiến mọi người kích động. Tôi cũng không khuyến khích học sinh của mình lên mạng bình luận. Mạng xã hội nên là nơi lan toả năng lượng tích cực. Nếu các em chia sẻ những cái tốt, khiến tâm lý của em và các bạn thoải mái hơn thì tôi ủng hộ. Còn những tiêu cực trong giáo dục (nếu có), các em nên tim kiếm sự giúp đỡ từ nhà trường (phản ánh ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiêm), hoặc gia đình. Điều gì cũng lên mạng xã hội nói thì không nên. Trừ trường hợp đặc biệt, nếu các con bị dồn ép và không có sự giúp đỡ từ ai, cần có tiếng nói của cộng đồng, thì tôi xin không bàn đến (ví dụ vụ nâng điểm, ép học thêm, lạm dụng tình dục...)", cô Yến nhận xét.

Vẫn chia sẻ để bày tỏ ý kiến

Dương Tuấn Kiệt, học sinh Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM, cho biết bản thân không biết thông tin là quy định mới được ban hành và sắp áp dụng. Lý do là từ trước tới nay, ngay cả trong nội dung kỷ luật của nhà trường cũng đã có khoản này. Kiệt cho rằng quy định như vậy là không sai. Về mặt thuần phong mỹ tục thì đó là văn hóa sử dụng mạng xã hội của mỗi người. Người khác nhìn vào sẽ đánh giá người sử dụng mạng xã hội.
"Tuy nhiên, em nghĩ có nhiều bạn như em vẫn chia sẻ nhiều thông tin vì bức xúc với những vấn đề quá nhức nhối trong xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Việc chia sẻ đó là để tụi em bày tỏ ý kiến, chứ không mang ý kiến xúc phạm tới bất kỳ ai, tổ chức nào. Một ví dụ cụ thể là em đã từng chia sẻ các bài báo về tình trạng những người được gọi là "giáo viên" nhưng có những hành động.... không đúng với nhân cách của một giáo viên. Em chia sẻ về Facebook của mình cũng nhằm bày tỏ bức xúc chung và mong muốn ngành giáo dục phải mạnh tay rà soát, kiểm tra cũng như là xử lý mạnh những tình trạng đó. Vì theo em thấy nhiều năm gần đây những vụ án như vậy ngày càng tăng", Kiệt cho biết.
Kiệt cho biết theo quan niệm của mình, bản thân chỉ không lên mạng sử dụng những từ, những tiếng chỉ trích, nói xấu về chính sách, đường lối phát triển. Còn những vấn đề cho thấy nền giáo dục có phần đi xuống trầm trọng thì cũng phải đưa ý kiến. Những cái sai, cái xấu nghiêm trọng như vậy thì không thể nào im lặng được. Vì bản thân Kiệt vẫn còn là học sinh, nếu không lên tiếng ngăn chặn ngay bây giờ thì không biết bao lâu nữa những tình trạng đó sẽ đến với bản thân mình.
Trong khi đó, Ngọc Uyên, học sinh Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM, lại cho rằng: "Em nghĩ ai cũng có quyền tự do ngôn luận nhưng vẫn phải trong một khuôn khổ nhất định. Vì vậy, quy định này là phù hợp. Theo em, nói đúng khác nói xấu. Vì bất kỳ nơi nào, lĩnh vực nào cũng sẽ có những thiếu sót, điểm khuyết. Là học sinh thì nên nhận xét đúng về môi trường giáo dục mình đang được học và lời nhận xét đó phải được truyền tải một cách văn minh, có văn hóa, không làm ảnh hưởng  ".
 
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.