Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa, cần chú ý gì khi ôn tập?

12/12/2019 08:38 GMT+7

Thông tin Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ có nhiều học sinh lớp 12 và giáo viên băn khoăn, nhất là học sinh và giáo viên chưa thật sự làm quen với đề thi cũ, chưa cọ xát nhiều với sự linh hoạt với cấu trúc đề thi minh họa và đề thi chính thức năm 2019.

Chẳng hạn, mức độ kiến thức lớp 11 trong đề thi các môn trắc nghiệm là bao nhiêu, đề thi tự luận môn văn đa dạng như thế nào…, trong khi năm ngoái đề thi chính thức có phần khác với đề minh họa.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, quyết định trên của Bộ GD-ĐT là hợp lý. Và Bộ cũng giữ sự ổn định như thế của kỳ thi THPT quốc gia cho đến khi lớp 12 chính thức học xong lộ trình cuốn chiếu của chương trình và sách giáo khoa mới đến năm 2025. Lúc ấy, hình thức, cấu trúc đề sẽ và phải thay đổi để phù hợp với chương trình mới. Chẳng hạn, đề thi môn văn bắt buộc phải khác, vì chương trình học chủ yếu là các tác phẩm tự chọn. Còn trước mắt, Bộ nên tập trung đến chiều sâu của kỳ thi, nhất là các tiêu cực có thể phát sinh, rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm ngoái.
Vì vậy, để việc ôn tập đúng trọng tâm và đạt hiệu quả, học sinh và giáo viên cần bám sát đề minh họa và đề chính thức của kỳ thi 2019 vừa qua. Tuy nhiên, không nên quá máy móc. Đừng quá chú trọng kiến thức mà cần chú ý nhiều về cấu trúc, ma trận đề thi, thang điểm đáp án. Các môn trắc nghiệm nên chú ý đến số câu với mức độ dễ - khó tăng dần như thế nào. Những phần trọng tâm nào sẽ ra trong đề, có thể sẽ có kiến thức đã học ở lớp 11...
Với môn tự luận là ngữ văn, cần chú ý là đề không có kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, học sinh có thể liên hệ vào bài làm của mình. Ngoài các chú ý trên như môn thi trắc nghiệm, môn văn cần đặc biệt chú ý đến sự đa dạng trong cách yêu cầu ở câu nghị luận văn học (câu 2, phần làm văn, 5 điểm).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.