Như Thanh Niên đã đưa tin, sau khi hoàn tất xét tuyển đợt 1, kể từ ngày 10.10, nếu trường nào tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu (có thể do ít hồ sơ nộp vào hoặc có thể do nhiều thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học) thì có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo.
Việc xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện 1 lần hay nhiều lần, cho đến hết năm 2020.
Sáng 6.10, trao đổi với báo chí, một đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ này đã hướng dẫn các trường còn thiếu chỉ tiêu nên tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Để xét tuyển bổ sung, các trường phải công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ, thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường cần đảm bảo thời gian công bố thông tin đủ để thí sinh tiếp nhận thông tin, ra quyết định, và nộp hồ sơ.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các trường điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1. Các trường cũng phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1, quy trình xét tuyển các đợt bổ sung cũng phải tuân thủ quy chế như quy trình xét tuyển đợt 1, nguyên tắc xét tuyển phải từ xét từ điểm cao xuống thấp cho đến khi hoặc đủ chỉ tiêu, hoặc đã chạm “sàn” (là điểm chuẩn đợt 1).
Những trường hợp vi phạm nguyên tắc này, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định đang và sẽ nắm bắt để kịp thời nhắc nhở, cảnh cáo, đảm bảo quyền lợi thí sinh và công bằng tuyển sinh.
Thí sinh có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn các trường khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển phải công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển. Trường cập nhật danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể căn cứ vào các thông tin do trường công bố để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.
Hiện có hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Ngoài ra, còn khá nhiều trường, ngành xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu. “Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau. Việc làm này tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1”, đại diện Bộ GD-ĐT nói.
Đối với các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình tuyển sinh, theo tinh thần tự chủ đại học, các trường chịu trách nhiệm giải trình với xã hội và các bên liên quan (không chỉ về công tác tuyển sinh, mà về tất cả các hoạt động của nhà trường). Với các vấn đề ở từng lĩnh vực cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ có phương hướng, biện pháp xử lý theo các quy định hiện hành tương ứng với lĩnh vực đó.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, sau khi lọc ảo (từ 2 - 4.10), có 165 đơn vị, chiếm 53,57%, sẽ có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này là 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh). Tỷ lệ này sẽ có dao động, tùy thuộc vào tình hình nhập học chính thức của thí sinh trong thời gian tới.
|
Bình luận (0)