Tại buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, vào chiều 29.6, các phóng viên đã đặt vấn đề tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương vì điều này có thể sẽ giảm thiểu các rủi ro lọt đề thi, gây ảnh hưởng đến hơn một triệu thí sinh cả nước.
PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết hiện các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch của Bộ. Trừ công đoạn ra đề, địa phương cơ bản làm hết các phần việc, gồm coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp.
PGS-TS Huỳnh Văn Chương cũng chia sẻ: "Với một kỳ thi quy mô 15 môn, ra đề vất vả thế này, tính bảo mật thế này phải huy động một lực lượng lớn thế này mà chúng ta chia sẻ mỗi tỉnh làm thế này thì phải huy động tiếp tục một bộ máy thế này cho 63 tỉnh thành. Chúng ta tính về hiệu quả kinh tế, tính bảo mật, an toàn, chia sẻ như thế nào. Thậm chí chúng ta chờ mỗi ngày 63 tỉnh thành công bố đề để chúng ta đánh giá có bị vấn đề gì không?"
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay mang tính chất "ba chung": chung đề, chung đợt và chung kết quả. Ngoài phục vụ xét tốt nghiệp, kết quả thi này còn dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng.
"Vậy thì mỗi tỉnh ra đề, mức độ khó dễ khác nhau có đảm bảo sự công bằng không? Cùng là khối A ví dụ vậy, một thí sinh ở tỉnh này được từng này điểm để xét vào trường ĐH B, cũng đề đấy, môn đó xét trường hợp khác lấy đâu sự công bằng? Anh em chúng tôi trăn trở một đề thi tốt nghiệp, trình độ phổ thông đến mức vậy không nhưng khi đi vào cuộc không hề đơn giản. Đây không phải vấn đề bộ “ôm” hay không. Bộ có muốn “ôm” mà dư luận, Thủ tướng Chính phủ thấy không phù hợp thì cũng không thể “ôm” được" - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Bình luận (0)