Bộ GD-ĐT: Sẽ không có chuyện thí sinh từ đậu thành rớt

Quý Hiên
Quý Hiên
20/09/2022 08:03 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn (ảnh), hệ thống xét tuyển chung mới chỉ ghi nhận lỗi hiển thị, và Bộ GD-ĐT đã khắc phục xong, sẽ không có chuyện thí sinh từ đậu thành rớt.

Sẽ truy vết và đảm bảo quyền lợi của thí sinh

Chiều 19.9, trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Với phần mềm xét tuyển năm nay, nếu không tính đến việc thí sinh (TS) sơ suất khi đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng (NV), thì hệ thống mới chỉ ghi nhận một lỗi hiển thị thông tin. Còn việc phải lùi lại lịch nộp tiền trực tuyến lệ phí xét tuyển thì đó không phải do lỗi của Bộ, vì việc nộp này thực hiện trên nền tảng thanh toán của dịch vụ công quốc gia.

BỘ GD-ĐT

Với việc phần mềm lỗi hiển thị thông tin như Báo Thanh Niên đưa tin, Bộ đã nhận được phản ánh và đã yêu cầu đơn vị chức năng khắc phục được ngay từ 12 giờ 30 trưa 18.9. Nhưng khi hệ thống đang chạy để khắc phục thì mất một khoảng thời gian nhất định, nên trong thời gian đó nếu TS vào thì có thể sẽ thấy một vài hiện tượng tưởng như là lỗi nhưng thực ra không phải. Nhưng Bộ có thể khẳng định ngay để các em yên tâm là dẫu có lỗi hiển thị trước đó thì kết quả xét tuyển của các em không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, một vài trường hợp các em nhìn thấy số liệu sai là do trường vẫn đang trong quá trình cập nhật thông tin. Theo yêu cầu của Bộ thì 17 giờ ngày 17.9 các trường phải cập nhật xong dữ liệu, nhưng vì một số lý do mà sau thời hạn trên trường chưa cập nhật đủ.

Về trường hợp TS Thái Thành Rạng mà Báo Thanh Niên phản ánh là hệ thống tự thay đổi phương thức xét tuyển của em, Bộ đang xác minh. Về mặt lý thuyết là không thể có chuyện đó. Kể từ thời điểm các trường bắt đầu tải dữ liệu xuống thì thông tin trên hệ thống không hề thay đổi, lúc đó hệ thống không cho phép con người tác động được vào dữ liệu. Nếu như do lỗi của hệ thống thì khó mà xảy ra chỉ duy nhất một trường hợp, mà sẽ có nhiều trường hợp khác bị lỗi tương tự. Tuy nhiên, Bộ vẫn sẽ truy vết để xác định có sự tác động từ ai đó khác (ngoài TS, vì hệ thống chỉ cho phép TS sửa được thông tin của mình) trong và sau quá trình đăng ký - điều chỉnh nguyện vọng của TS không!

Nếu là lỗi của Bộ thì sẽ khắc phục theo hướng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho em. Còn nếu lỗi của TS thì phải tùy xem tính chất của lỗi, việc xác định tính chất lỗi này sẽ dựa vào tính logic của quá trình đăng ký - điều chỉnh nguyện vọng của TS. Nếu vì em chọn sai phương thức xét tuyển, mà bị trượt, thì không ai giúp được em cả. Nếu em cho rằng em chọn khác, mà hệ thống lại “nhảy” ra khác, thì để xác định có việc này hay không, Bộ cần có thời gian để truy vết. Sau thời gian truy vết, nếu xác định do lỗi của Bộ, thì Bộ sẽ xử lý theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của em.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại một trường ĐH ở TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Các chức năng mở rộng đều đã được thử nghiệm

Ông nghĩ thế nào về việc TS phàn nàn phải thực hiện nhiều thao tác phức tạp khi đăng ký xét tuyển trực tuyến?

Trong quá trình thực hiện trực tuyến các khâu xét tuyển, việc TS phải có các thao tác như xác thực nguyện vọng, xác thực trúng tuyển… là cần thiết, vì nó liên quan tới một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời một học sinh sau khi rời ghế nhà trường phổ thông. Các yêu cầu này nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho các em do sự bất cẩn trong quá trình thao tác trên mạng, bắt buộc các em phải kiểm tra lại các thông tin đăng ký. Quy trình này nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của các em.

Tư vấn trực tuyến: Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1 ?

Vào 14 giờ 30 hôm nay (20.9), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1?”. Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH sẽ có những thông tin hữu ích với thí sinh không trúng tuyển ở đợt 1.

Chương trình diễn ra từ 14 giờ 30 - 15 giờ 30, gồm các chuyên gia: tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Bảo Hân

Một số chuyên gia có ý kiến, Bộ đã “phiêu lưu” khi cho vận hành một hệ thống công nghệ chưa hề được kiểm tra trong thực tế, việc điều chỉnh chính sách tuyển sinh năm nay không hề được đánh giá tác động. Ông nghĩ sao?

Nhận định như thế là không đúng. Phần mềm năm nay là phần mềm mở rộng chức năng chứ không phải là phần mềm mới hoàn toàn. Chức năng quan trọng nhất là lọc ảo, thì đã làm từ nhiều năm nay. Chức năng mới của năm nay là đăng ký trực tuyến, thì mở rộng dựa trên chức năng TS điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp đã thực hiện năm ngoái, và năm ngoái chạy tốt rồi. Cái mới là lọc ảo trên cơ sở nhiều phương thức xét tuyển, việc này thì chỉ đơn giản là cung cấp thêm dữ liệu, chứ bản chất vẫn giống như lọc ảo của những năm trước, thuật toán không thay đổi. Cái mới nữa là thanh toán trực tuyến thì Bộ đã thử nghiệm kỹ trong nội bộ cũng cho TS thử nghiệm mấy ngày trước khi chạy chính thức.

Thí sinh tự xác nhận nhập để bỏ khâu trung gian

Cũng có ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT bắt buộc TS phải xác nhận nhập học trên hệ thống chung trước khi xác nhận nhập học với trường là động tác thừa?

Năm ngoái Bộ đã cho phép mở ra chức năng xác nhận trực tuyến, nhưng với từng trường. Năm nay Bộ mở rộng ra xác nhận nhập học trực tuyến đồng bộ trên hệ thống, vì xét thấy sự cần thiết cho toàn hệ thống, cũng như cho TS, khi thực hiện thao tác này.

Trường chủ động giải quyết khiếu nại của thí sinh

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: “Cách đây mấy hôm chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các trường rà soát kỹ danh sách, thông tin dữ liệu của các TS trúng tuyển trước khi thông báo trúng tuyển. Trong thông báo kết quả, giấy báo trúng tuyển cần có thêm ghi chú: Kết quả trúng tuyển của TS được công bố là dựa trên các thông tin từ dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ sở dữ liệu ngành, do TS cung cấp và các dữ liệu khác; trường hợp có sai sót sẽ được giải quyết theo quy định”.

Trường hợp TS trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng đăng ký sai phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển đã được các trường đưa vào danh sách lọc ảo thì trường vẫn phải giữ nguyên thông tin về phương thức xét tuyển hoặc mã tổ hợp mà TS đã đăng ký. Đồng thời trường bổ sung thêm thông tin (ở cột ghi chú): Xét tuyển dựa trên phương thức, tổ hợp mà TS đã được thông báo trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm.

Liên quan tới việc giải quyết đơn thư khiếu nại, Bộ cũng đã yêu cầu các trường chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các trường có liên quan theo quy định bảo đảm quyền lợi của TS. Đối với TS trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống, trường có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.

Yêu cầu này xuất phát từ bản chất vấn đề: Trách nhiệm xác nhận nhập học là của TS chứ không phải của trường. Nếu TS nhập xác nhận học với trường, rồi sau đó trường lại nhập xác nhận nhập học của TS lên hệ thống, thì việc xác nhận nhập học này phải qua khâu trung gian là nhà trường. Rõ ràng, TS xác nhận nhập học trực tiếp thì quy trình sẽ tốt hơn khi không phải sử dụng khâu trung gian.

Thí sinh có trách nhiệm xác nhận nhập học, nhưng các em có quyền lựa chọn xác nhận nhập học với trường, chứ không nhất thiết chỉ xác nhận với Bộ GD-ĐT?

Cần phải hiểu việc xác nhận nhập học của TS trên hệ thống là xác nhận nhập học với trường, nhưng tự các em thao tác trên hệ thống, chứ không phải với Bộ. Hệ thống này là hệ thống chung của các trường, việc xác nhận của các em có giá trị với toàn hệ thống, chứ không phải chỉ với trường mà các em sẽ nhập học. Mình phải nhìn nhận từ góc độ lợi ích tổng thể, chứ không phải nhìn vào từng trường hợp riêng lẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.