Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo về quản lý dạy thêm, học thêm với nhiều quy định mới đáng chú ý. PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đã có trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những dự kiến thay đổi này.
Bộ GD-ĐT muốn "trị" vấn đề bức xúc nhất trong dạy thêm
PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Thực ra đâu đó dạy thêm, học thêm cũng là nguồn lực xã hội, những giáo viên (GV) giỏi thì luôn có những học sinh (HS) hiếu học muốn học để phát triển được năng lực của các em. Như vậy, dạy thêm ở đây không phải là cái gì phải cấm và chê trách cả.
Vấn đề hiện khiến dư luận rất bức xúc là GV dạy HS ở trường rồi lại bằng cách này, cách kia "ép" HS học thêm do chính mình dạy ở bên ngoài. Những trường hợp này HS và phụ huynh phải "tự nguyện một cách bắt buộc", nên là vấn đề mà ngành GD-ĐT phải tìm cách quản lý và "điều trị".
Vậy dự thảo vừa công bố có những quy định nào có thể "điều trị căn bệnh" mà ông chỉ ra?
Trong quy định những trường hợp không được dạy thêm, học thêm thì chúng tôi nhận thấy không cần thiết đưa vào nữa hoặc phải điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng, phù hợp. Ví dụ, với HS tiểu học thì dự thảo đã nêu nguyên tắc: "Đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì không tổ chức dạy thêm, học thêm". Như vậy, kể cả tiểu học hay trung học, nhất là theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thiết kế bắt buộc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày thì đương nhiên không dạy thêm, học thêm trong trường đó. Như vậy, đảm bảo sự công bằng giữa tiểu học và THCS, THPT.
Điều thứ hai, qua thời gian dài theo dõi việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tôi thấy có một vấn đề nữa cần giải quyết, đó là: bản thân việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng có tình trạng không mạch lạc, thậm chí gây ra sự phân biệt giữa "môn chính, môn phụ", giữa GV này với GV kia, hiệu trưởng ưu ái GV dạy môn này hơn GV dạy môn kia…
Vì vậy, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến đã hướng tới làm sao để quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh... Dự thảo quy định mới có quy định khi GV thấy cần thiết phải dạy thêm, học thêm thì phải nêu rõ lý do tại sao; mục tiêu là gì; nội dung ra sao, thời lượng thế nào… Đề xuất này được nêu trong tổ chuyên môn để mỗi người đều có quyền nêu suy nghĩ, ý kiến của họ.
Căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn thì hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ HS của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi HS.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nới quy định dạy thêm, học thêm: giáo viên ủng hộ, hiệu trưởng lo khó quản lý
Sau khi công khai kế hoạch dạy thêm, học thêm thì nhà trường mới cho HS đăng ký, trên cơ sở đăng ký của HS thì mới xếp lớp, phân công GV giảng dạy.
Không yêu cầu HS viết "đơn tự nguyện" để tránh chuyện hình thức
Như vậy, quy định mới sẽ ngược lại so với hiện hành. Hiện nay thì yêu cầu trước hết HS, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện xin học thêm rồi nhà trường mới xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm?
Chúng tôi muốn tránh chuyện hình thức. Vì có quy định phải viết đơn nên lại nảy sinh hiện tượng ép HS tự nguyện viết đơn rồi nhà trường, GV lại lấy cái đó làm lý do để dạy nhiều, dạy ít. Do vậy, phải có quy định rõ ràng mọi thông tin về dạy thêm, học thêm, từ đó HS và phụ huynh mới có căn cứ để đăng ký dựa trên nhu cầu và mong muốn của từng HS.
Nhà giáo (bao gồm cả hiệu phó) trường công lập khi dạy thêm ngoài nhà trường thì phải báo cáo rõ hiệu trưởng để lưu hồ sơ. Nếu trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của GV có HS của lớp mà GV đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các HS đó (họ và tên HS; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc HS học thêm.
Như vậy, không cấm GV dạy thêm chính HS của mình khi HS và phụ huynh đó thực sự mong muốn, có nhu cầu. GV được đàng hoàng dạy HS của mình ngoài nhà trường nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của HS và GV, tuyệt đối không được ép buộc.
Dự thảo nhấn mạnh nhiều lần đến việc cam kết của GV và nhà trường không ép buộc HS học thêm. Vậy theo ông, cơ chế để kiểm soát cam kết này ra sao?
Vấn đề là minh bạch thông tin, dự thảo đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Bên cạnh đó, dự thảo lần này cũng thêm vào nguyên tắc: "Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh" nhằm tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay là HS nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại. Ngoài những quy định trong thông tư quản lý dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ còn có những giải pháp và những quy định đồng bộ khác về chương trình, về kiểm tra, đánh giá, thi cử…
Hơn nữa, giám sát việc dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành GD-ĐT hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính HS và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Không bỏ quy định GV công lập được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường
Việc bỏ điều khoản về những trường hợp không dạy thêm, học thêm, trong đó có quy định về GV dạy trường công lập có được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nữa hay không cũng khiến dư luận băn khoăn và hiểu theo hướng nhà giáo có thể được mở các lớp, các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Ông giải thích gì về điều này?
Luật Viên chức, luật Công chức đã quy định công chức, viên chức không tổ chức kinh doanh nên chúng tôi nghĩ việc quy định trên là không cần thiết, đương nhiên nhà giáo trong cơ sở công lập sẽ không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường mà chỉ được tham gia dạy thêm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và có thể giữ lại quy định này trong dự thảo để tránh hiểu lầm, hiểu sai lệch.
Việc sửa quy định về dạy thêm, học thêm trong bối cảnh dạy thêm vẫn chưa được công nhận là ngành nghề kinh doanh có điều kiện liệu có gỡ được những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải về quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện nay?
Thực ra dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là một hoạt động kinh doanh mà đã tổ chức thì phải đăng ký kinh doanh, kể cả là hộ kinh doanh cá thể. Với Bộ GD-ĐT thì yêu cầu quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch khi tổ chức hoạt động này.
Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách GV dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp DTHT. Bộ ra những nguyên tắc như vậy và địa phương phải quản lý căn cứ vào đó.
Ngay cả việc dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Thông tư 17 cũng chỉ tổ chức cấp phép được cho cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm thôi chứ không giải quyết được tận gốc của vấn đề gây bức xúc như tôi nói ở trên, đó là GV ép HS của mình học thêm dù HS không muốn. Đó cũng là vấn đề mà ngành GD-ĐT muốn chấn chỉnh nhất.
Xin cảm ơn ông!
Dạy thêm trong thời lượng cho phép
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết, tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Thời lượng này dựa trên văn bản hướng dẫn về dạy học 2 buổi/ngày với cấp THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Việc đưa vào dự thảo thông tư này nhằm nhấn mạnh thời lượng tối đa mà HS học tập tại trường để các trường không thể bắt HS học quá thời lượng đó được, nhằm tránh quá tải cho HS.
Bình luận (0)