Thi tốt nghiệp THPT chương trình mới liệu có hết áp lực học thêm?

03/07/2024 05:45 GMT+7

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vấn đề được đặt ra là liệu rằng những học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm sau sẽ không còn phải chịu nhiều áp lực thi cử với lịch học thêm dày đặc?

"Không học thêm thì khó có đủ kiến thức để thi"

Trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, làm một cuộc khảo sát nhỏ với các phụ huynh chờ đón con trước điểm thi ở TP.HCM, chúng tôi thấy rằng đa số cha mẹ đều cho con học thêm từng môn, học theo khóa ở trung tâm, luyện thi đánh giá năng lực (ĐGNL).

Thi tốt nghiệp THPT chương trình mới liệu có hết áp lực học thêm?- Ảnh 1.

Phụ huynh đợi con trước cổng trường kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 theo chương trình cũ. Từ năm sau, kỳ thi này hoàn toàn đổi mới theo Chương trình GDPT 2018

NHẬT THỊNH

Mức phí học thêm mỗi nơi mỗi khác nhưng trung bình khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/môn/tháng, thậm chí cao hơn. Học phí học thêm cho từng môn còn tùy thuộc vào các khu vực ở TP.HCM, độ "hot" môn học và danh tiếng giáo viên (GV). Thậm chí, có học sinh (HS) học thêm với 2 GV cho cùng một môn học. Một số phụ huynh cho rằng họ phải chi tiền cho con học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.

Hiện nay, các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển như: xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi ĐGNL; thậm chí kết hợp cả 3 yếu tố điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi ĐGNL…

Với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, HS có thể chọn hàng chục nguyện vọng trên cổng đăng ký của Bộ GD-ĐT. Điều này mở rộng cơ hội học ĐH nhưng cũng góp phần gây ra áp lực buộc các em phải học thêm.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, HS chọn nhiều phương thức xét tuyển nên cố gắng học thêm để có điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi ĐGNL cao. Một phụ huynh chờ đón con tại điểm thi Trường THPT Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM chia sẻ: "Thời nay rất khó có chuyện học bao nhiêu thì thi bấy nhiêu. Thí sinh cạnh tranh nhau từ 0,1-0,2 điểm, không học thêm thì HS khó có đủ kiến thức để thi".

GIỎI TOÁN CŨNG PHẢI HỌC THÊM TOÁN

Kết quả khảo sát được công bố tại hội nghị khoa học do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) hồi năm 2023 từng chỉ ra rằng hơn 88% HS THPT phải đi học thêm. Trong đó, tỷ lệ học thêm môn toán là cao nhất với 80,3% và thấp nhất là môn sinh học với 1,4%.

Một số phụ huynh không muốn con học thêm quá căng thẳng, nhưng chính con muốn được học thêm để thi tốt hơn.

Ông Tô Thanh Huy (51 tuổi) cho biết con trai ông (HS Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, H.Hóc Môn, TP.HCM) học giỏi môn toán nhiều năm liền, từng vào đội tuyển HS giỏi của trường, nhưng con vẫn muốn đăng ký học thêm.

"Lịch học kín mít cả tuần, con học cả ngày ở trường, ra về lúc 16 giờ 10 rồi chạy đến các lớp học thêm đến hơn 21 giờ mới về nhà. Con trẻ thời nay học hành quá căng thẳng", ông Huy chia sẻ với PV Thanh Niên trong lúc đợi con tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Theo ông Huy, đối với ngành điện - điện tử, con trai ông đủ điểm để vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chỉ cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, con muốn thử đặt thêm nguyện vọng vào ngành kỹ thuật máy tính. Do đó, bên cạnh những lớp học các môn trong tổ hợp với các GV, ông Huy còn đóng thêm 8 triệu đồng cho khóa luyện thi các môn tổ hợp, ĐGNL cho con.

"Các con học hành căng thẳng và tôi nghĩ rằng bất kỳ ba mẹ nào dù đối mặt áp lực tài chính cũng cố gắng tạo điều kiện cho con ăn học tới nơi tới chốn", ông Huy nói.

Thi tốt nghiệp THPT chương trình mới liệu có hết áp lực học thêm?- Ảnh 2.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

HỌC SINH CHƯƠNG TRÌNH MỚI VẪN MIỆT MÀI HỌC THÊM

Từ năm sau, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi hoàn toàn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, một số phụ huynh và HS không lạc quan với suy nghĩ sẽ giảm áp lực học thêm.

"Chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh đánh giá toàn diện, đồng nghĩa con phải học đều các môn, vốn kiến thức phải rộng hơn sách giáo khoa. Tôi không nghĩ điều này sẽ làm giảm áp lực học tập, thậm chí còn làm tăng áp lực phải đi học thêm cho HS", bà Minh Phương (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) nhận định.

Anh Khoa, con trai của bà Minh Phương - năm nay lên lớp 11 (Trường THPT Bà Điểm, H.Hóc Môn), chia sẻ: "Trong năm lớp 10, lịch học thêm của em kín hết cả tuần. Không học thêm, em không thể hiểu hết bài". Khi được hỏi liệu rằng HS có thể đọc sách giáo khoa và tự học, không cần đi học thêm, Khoa nói đó là "chuyện không thể" dù là HS giỏi nhiều năm liền ở bậc THCS.

"Ngay trong dịp hè chuẩn bị lên lớp 11, Anh Khoa đã sắp xếp thời gian đi học thêm các môn. Con có nguyện vọng học ngành kiến trúc. Tuy nhiên, tỷ lệ chọi vào Trường ĐH Kiến trúc rất cao nên con muốn học thêm các môn, học luyện thi vẽ (cho bài thi năng khiếu) ngay từ hè", bà Phương nói thêm.

Ông Thái Hoàng, GV Trường THPT Bác Ái (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho rằng đối với những học trò còn yếu, các em có nguyện vọng học thêm, nếu được nhà trường tổ chức rèn luyện thêm thì điều này hoàn toàn chính đáng. Hoặc HS hoàn toàn tự nguyện học thêm cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, phụ huynh không nên ép con học thêm nhiều quá để "bằng bè bằng bạn".

Trong khi đó, một GV chuyên dạy toán đề nghị không nêu tên ở Q.12, TP.HCM, cho rằng môn toán có thể là một thách thức đối với HS học lực trung bình. Đối với chương trình mới, các bài toán được thiết kế theo kiểu ứng dụng thực tế. Nhiều kiến thức trước đây chỉ ở bậc ĐH mới có (như xác suất và thống kê) nay được đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông. HS phải tiếp xúc với nhiều bài toán mới thông thạo được.

Chính vì thế, ông Thái Hoàng khẳng định: "Thôi hết học thêm thì rất khó, chỉ mong sao tình trạng học thêm tràn lan được chấm dứt là điều đáng trân quý, học trò sẽ giảm "quẩn quanh" bài học trong sách giáo khoa, học chỉ vì điểm số, thay vào đó là những bài học - kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống".

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng hy vọng có những sự thay đổi căn bản khi cho rằng Chương trình GDPT 2018 đã đổi mới, sách giáo khoa chỉ là kênh tham khảo, các kỳ kiểm tra, thi cũng đã và đang đổi mới. Trong kỳ thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, Bộ và các sở GD-ĐT cần đổi mới hơn nữa để giảm dần tình trạng học thêm, giảm áp lực kinh tế cho phụ huynh và trên hết, hãy trả lại tuổi học trò đúng nghĩa và tạo cơ hội cho trẻ phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn ngoài khuôn viên trường học, ngoài sách giáo khoa.

Chương trình mới, HS sẽ không học tủ mà phải vận dụng kiến thức vào thực tế

Trao đổi xung quanh vấn đề này, lãnh đạo một trường THPT ở TP.HCM lưu ý, Chương trình GDPT 2018 tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học. Ngay từ lớp 10, HS có thể chọn các môn học theo sở thích, điểm mạnh và định hướng nghề nghiệp của mình. Việc kiểm tra đánh giá cũng được thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực, lấy người học làm trung tâm. Định hướng và cách ra đề thi cũng được thay đổi để phù hợp với mục tiêu này. Đến năm 2025, các môn thi tốt nghiệp sẽ chỉ còn 4 môn, trong đó thí sinh sẽ chọn 2 môn. Điều này giúp giảm áp lực và nhu cầu học thêm, vì HS có thể tập trung vào các môn học mà mình thực sự yêu thích và có thế mạnh.

Về việc phụ huynh lo ngại HS phải học nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa khi học Chương trình GDPT 2018, vị lãnh đạo này cho hay Chương trình GDPT 2018 không quy định cụ thể về bộ sách giáo khoa cho từng môn học. Nội dung giảng dạy và kiểm tra đánh giá sẽ được thực hiện theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất, nhằm phát huy thế mạnh của từng HS.

Trong chương trình mới, HS sẽ không học tủ, học vẹt, mà phải vận dụng kiến thức vào thực tế. Điều này giúp hạn chế nhu cầu học thêm, vì HS không cần phải học quá nhiều môn ngoài khả năng và sở thích của mình, mà thay vào đó có thể tập trung vào việc phát triển kỹ năng và năng lực cá nhân.

Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.