Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần làm gì để chính thức trúng tuyển ĐH?

Hà Ánh
Hà Ánh
02/07/2024 13:55 GMT+7

Vào 14 giờ hôm nay 2.7, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Những điều thí sinh cần làm sau khi thi tốt nghiệp THPT'.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những điều thí sinh cần làm sau khi thi tốt nghiệp THPT" diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Hơn 1 triệu thí sinh cả nước vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT dự kiến công bố kết quả kỳ thi này vào ngày 17.7 tới. Sau đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 18.7 đến 17 giờ ngày 30.7.

Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần làm gì để chính thức trúng tuyển ĐH?- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

NHẬT THỊNH

Nhưng ngay trong thời điểm này, các trường ĐH đang thực hiện xét và công bố điểm chuẩn có điều kiện các phương thức xét tuyển sớm như: xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển… Nhiều thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện bằng các phương thức xét tuyển sớm, nhưng có thí sinh chưa trúng tuyển hoặc chưa trúng tuyển nguyện vọng mong muốn. Với cả 2 trường hợp trên, thí sinh cần thực hiện những bước quan trọng nào để thực sự trúng tuyển ĐH?

Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần làm gì để chính thức trúng tuyển ĐH?- Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn chiều nay

THANH HẢI

Lời khuyên dành cho thí sinh sẽ có trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những điều thí sinh cần làm sau khi thi tốt nghiệp THPT".

Đợt 1 của chương trình bắt đầu từ 14 giờ-15 giờ gồm các chuyên gia:

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM;
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần làm gì để chính thức trúng tuyển ĐH?- Ảnh 3.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Lưu ý khi xét tuyển nguyện vọng sớm

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, sau khi thi tốt nghiệp THPT, cơ bản thí sinh và dư luận xã hội cho rằng cấu trúc đề thi ổn định nhưng vẫn có sự phân loại thí sinh ở câu hỏi khó. Từ đó hy vọng điểm chuẩn sẽ có sự khác biệt với nhóm thí sinh đạt từ mức 25 điểm trở lên.

Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, trong khi chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần quan tâm đến việc xét tuyển sớm của các trường ĐH. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đến 17 giờ ngày 10.7, các trường ĐH phải hoàn thành việc xét tuyển sớm để cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống của Bộ. Trường đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm đến hết ngày 9.7 và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển sớm lên hệ thống của bộ trước 17 giờ ngày 10.7. Đến thời điểm hiện nay, xét tuyển sớm ở các trường có tỷ lệ ảo cao. Nhóm ngành thuộc lĩnh vực truyền thông, digital marketing, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính, kế toán, du lịch, ngôn ngữ, công nghệ tài chính, thương mại điện tử… đang được thí sinh lựa chọn nhiều.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay năm nay theo nhận định của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn văn và khoa học tự nhiên dường như ‘nhẹ nhàng’ hơn so với năm ngoái, do đó khả năng điểm thi có thể tăng hơn. Riêng 2 khối ngành đặc thù khoa học sức khỏe và đào tạo giáo viên, mỗi năm thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều. Do đó, các ngành này thường thuộc nhóm có tỷ lệ chọi lớn, điểm chuẩn đầu vào sẽ luôn ở mức cạnh tranh. Để theo học 2 khối ngành này, thí sinh cần có học lực tốt.

Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần làm gì để chính thức trúng tuyển ĐH?- Ảnh 4.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM

THANH HẢI

Tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý thí sinh, theo quy định của Bộ GD-ĐT, khoa học sức khỏe và đào tạo giáo viên là 2 khối ngành đặc thù luôn có điểm sàn xét tuyển, là điều kiện tối thiểu để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Điểm sàn sẽ có những quy định khác nhau tùy theo phương thức xét tuyển, trong đó các phương thức xét tuyển sớm thí sinh cần đạt điều kiện học lực hoặc điểm xét tốt nghiệp theo quy định. Ví dụ, ngành y khoa thí sinh cần tốt nghiệp THPT loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp 8,0 trở lên. Nhưng với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn chung để từ đó các trường công bố điểm sàn cụ thể cho trường mình. Đến ngày 21.7, Bộ GD-ĐT mới tiến hành họp hội đồng để công bố điểm sàn. Từ đó, các trường sẽ công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển cho từng ngành. 

Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần làm gì để chính thức trúng tuyển ĐH?- Ảnh 5.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

THANH HẢI

Ngành học mới và các chương trình học bổng

Giải đáp câu hỏi về học bổng của thí sinh, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM có nhiều học bổng tương đương học phí dành cho thí sinh đạt điểm trúng tuyển cao từ đầu vào. Trong đó, để nhận học bổng 100% học phí thí sinh cần đạt từ 27 điểm trở lên điểm thi tốt nghiệp THPT, 29-30 điểm xét học bạ, 1.080-1.200 điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, trường còn nhiều học bổng khác cho sinh viên.

Liên quan đến ngành công nghệ giáo dục, thạc sĩ Trương Quang Trị cho biết đây là ngành mới của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay. Đây không phải ngành đào tạo giáo viên nên thí sinh xét tuyển ngành này không bị ràng buộc điều kiện đầu vào của nhóm ngành đào tạo giáo viên. Tốt nghiệp ngành này, người học có thể khả năng thiết kế bài giảng, thiết lập các chương trình đào tạo và áp dụng công nghệ trong giáo dục. Thạc sĩ Trương Quang Trị cho biết thêm năm nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, hóa dược, công nghệ giáo dục. 

Còn tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết năm nay Trường ĐH Duy Tân dành 55% tổng chỉ tiêu của 52 ngành dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường hiện đã công bố kết quả xét tuyển sớm, trong đó một số ngành được thí sinh đăng ký nhiều như: máy tính, công nghệ thông tin, lĩnh vực kinh tế, quản trị… Ngược lại, các ngành kỹ thuật công nghệ thì có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn.

Đợt 2 từ 15 giờ 15-16 giờ 15 gồm các chuyên gia:

  • Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
  • Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
  • Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.