Dạy học mà không tham gia chấm thi, theo nhiều thầy cô, như thiêu thiếu cái gì đó. Sau một thời gian ôn luyện, có chấm thi, trực tiếp đọc sản phẩm bài làm của học sinh mới thấy rõ thành quả giảng dạy của mình.
Vào phòng chấm với "hai bàn tay không", ra về với "hai bàn tay trắng"
Chấm thi tốt nghiệp THPT rất "khổ" vì tốn nhiều thời gian. Bài làm của thí sinh 120 phút nhưng mỗi giám khảo phải mất khoảng gần một tuần để chấm bài cho tất cả thí sinh của kỳ thi. Phải đi sớm, về trễ và buổi trưa không về nhà kịp. Nhiều giám khảo nhà ở xa hội đồng chấm phải thức dậy từ 3 giờ sáng để đến điểm chấm. Nếu không thì phải thuê trọ tạm thời. Đến điểm chấm trễ, cửa sẽ đóng, bị gửi danh sách vắng về trường, rồi bị khiển trách, trừ điểm thi đua...
Quy định chấm thi rất nghiêm ngặt. Điểm số chỉ được ghi 1 nét, phiếu điểm không được sửa. Vào phòng chấm với "hai bàn tay không" (bút đỏ và hướng dẫn chấm được tổ chấm phát trong từng buổi) và cuối buổi ra khỏi phòng với "hai bàn tay trắng" (tất cả đều được gửi lại hội đồng chấm). Không được sử dụng điện thoại cả ngày dài. Cái quan trọng đối với giám khảo là sự chính xác, cẩn thận, đều tay và không chấp nhận cẩu thả.
Có thầy cô mượn câu văn triết luận của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa để nói việc này: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương. Nhưng cẩu thả trong chấm thi (nguyên văn truyện Nam Cao là văn chương-NV) không những bất lương mà còn đê tiện nữa".
Với môn văn, khâu ra đề thi đã khó, khâu làm đáp án chấm càng khó hơn nhưng việc chấm thi được xem là khó nhất. Vì nó là sự tổng hợp của các khâu kết hợp với thực tế bài làm của thí sinh để cho ra thành quả cuối cùng. Mà "văn chương tự cổ vô bằng cứ", nên việc tìm ra "tiếng nói chung" để cho điểm thống nhất giữa các giám khảo nhiều khi nhiêu khê nhưng rất quan trọng. Chính vì những khó khăn nói trên mà nhiều giáo viên (nhất là thầy cô có tuổi) không mặn mà với việc chấm thi.
Cần cái tâm của giám khảo
Tuy khó khăn là vậy nhưng bằng tình thương, trách nhiệm, lòng yêu nghề, các nhà giáo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quan sát và so sánh việc chấm thi những năm gần đây với các năm trước kia, chúng tôi thấy việc chấm thi, trong đó có môn văn, đã khởi sắc hơn rất nhiều.
Từ việc tổ chức đến quy trình chấm, công đoạn làm phách, họp thống nhất đáp án, sinh hoạt quy chế chấm, các vòng chấm của giám khảo 1, 2, việc chấm thanh tra... tất cả đều rất nghiêm ngặt, bài bản. Các phiếu chấm cũng được thiết kế rất rõ ràng, sát với đáp án, giúp giám khảo dễ dàng cho điểm, thống nhất điểm giữa hai vòng chấm.
Những năm trở lại đây, việc chấm thi của giám khảo không còn bị áp lực nhiều về tiến độ thời gian. Đặc biệt tại TP.HCM, mấy năm qua giám khảo không còn được tính theo số lượng bài thi (chấm nhiều bài được nhiều tiền), mà tính theo ngày công. Điều này giúp cho việc chấm thi nhịp nhàng, ít lệch điểm hơn, không còn cảnh giáo viên chấm thi để... "chạy gạo".
Tâm thế người chấm thi hiện nay cũng thoải mái hơn. Lãnh đạo các hội đồng chấm cũng rất tâm lý, chia sẻ vất vả, khó khăn với giám khảo. Trong nội quy chấm thi có điều khoản rất đáng ghi nhớ: "Giám khảo không được bực dọc với những bài làm không tốt". Điều này rất đúng. Một khi trạng thái tâm lý của giám khảo không ổn thì mọi bất công sẽ đổ lên bài làm của thí sinh.
Chấm thi là một câu chuyện dài. Thời gian qua cũng có nhiều cán bộ ngành giáo dục phải hầu tòa vì liên lụy khâu chấm thi. Làm đúng, làm tốt là bổn phận, trách nhiệm. Làm sai, dù vô tình hay cố ý, bị kỷ luật là lẽ thường tình.
Quan trọng nhất của công việc chấm thi vẫn là trách nhiệm và tình yêu nghề dạy học, tôn trọng sự công bằng. Có như vậy, giáo viên mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chấm thi.
Bình luận (0)