Nóng Vụ trưởng Vụ Đại học giải đáp những điểm cần lưu ý trong tuyển sinh ĐH năm nay
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức phục vụ xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển ĐH, CĐ. Bên cạnh kỳ thi này, nhiều trường ĐH dự kiến tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh.
Đại diện Bộ GD-ĐT có lưu ý với thí sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và trong lựa chọn kỳ thi riêng phù hợp. Thông tin này được chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 25 do
Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Việt Đức sáng qua (18.2).
Bên cạnh hàng ngàn học sinh tham dự trực tiếp, chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook và kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.
ĐIỂM MỚI TUYỂN SINH ÁP DỤNG TỪ NĂM 2023
Chia sẻ trong chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến tổ chức sớm hơn 2 tuần so với năm trước, vào tuần cuối tháng 6. Điều chỉnh này giúp học sinh được tham dự kỳ thi này, tham gia xét tuyển và bắt đầu năm học mới sớm hơn năm ngoái.
Về xét tuyển, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết cũng sẽ tương tự năm 2022. Tuy nhiên, bà đặc biệt lưu ý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của tuyển sinh, từ bước sử dụng tài khoản để đăng nhập, đăng ký dự thi và xét tuyển thông qua hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Dù đã đăng ký và đủ điều kiện xét tuyển vào bất kỳ trường nào theo phương thức sớm, thí sinh vẫn cần nhập lại nguyện vọng lên hệ thống chung này trong thời gian quy định.
Thông tin thêm về phương thức xét tuyển sớm, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, năm ngoái nhiều phương thức tuyển sinh được sử dụng không hiệu quả, có những phương thức không có hoặc rất ít thí sinh tham gia. Thí sinh đăng ký chủ yếu tập trung vào phương thức truyền thống. Theo đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ chiếm gần 90% chỉ tiêu nhập học thực tế so với chỉ tiêu cần tuyển của các trường; các phương thức còn lại chỉ chiếm khoảng 10%. "Năm nay, theo quy chế, các trường ĐH có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức đặc thù hoặc kỳ thi riêng trường tổ chức. Song song với ôn tập phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp, học sinh cần nghiên cứu kỹ đề án từng trường gồm các phương thức xét tuyển, thời hạn, điều kiện - tiêu chuẩn nhận hồ sơ…", bà Thủy nói.
Chia sẻ thêm về điểm mới tuyển sinh năm nay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH lưu ý năm 2023 vẫn áp dụng quy chế tuyển sinh năm 2022. "Dù quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022 nhưng một số điểm bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023", Vụ trưởng nhấn mạnh.
Chẳng hạn điểm mới về mức ưu tiên khu vực, khi học sinh đạt mức điểm giỏi trở lên thì điểm ưu tiên khu vực sẽ giảm dần đến khi đạt 30 điểm thì không cần điểm ưu tiên nữa. "Sự thay đổi này giúp các trường tốp trên có thể tuyển được thí sinh giỏi phù hợp với đặc thù ngành nghề của trường mình. Tôi tin rằng khi đạt đến điểm 30 thì không cần sự ưu tiên nào mà vẫn cạnh tranh công bằng giữa các thí sinh", bà Thủy nói.
NHIỀU KỲ THI RIÊNG, NÊN CHỌN KỲ THI NÀO ?
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT là đặc biệt quan trọng. Kỳ thi này không chỉ kết thúc một chặng đường học phổ thông mà còn mở ra con đường học tập tiếp theo với bậc ĐH, CĐ và dạy nghề.
Ban tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi cảm ơn Sở GD-ĐT Bình Dương, Trường ĐH Việt Đức phối hợp tổ chức; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó (lần lượt 2 và 3 suất, mỗi suất 5 triệu đồng), Công ty OSI Vietnam trao 5 suất học bổng (2 triệu đồng/suất). Cảm ơn sự hỗ trợ của Hãng xe Avigo thuộc Công ty cổ phần đầu tư AVI; nước tinh khiết Samin; Huawei.
Từ mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy đưa ra lời khuyên: "Các bài thi vẫn giữ nguyên như năm trước và mục tiêu của kỳ thi nhằm đánh giá cấp học và năng lực vào học các trường sau bậc THPT. Đề thi cũng có sự phân hóa để các trường có thể lựa chọn người học phù hợp. Tuy nhiên, học sinh chỉ tập trung vào đúng chương trình phổ thông, nếu học đúng chương trình này sẽ không cần lo lắng. Khi đã dành hết tâm sức, có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng thì học sinh không nên lo lắng quá nhiều về kỳ thi sắp tới".
Về lựa chọn các kỳ thi, Vụ trưởng Thu Thủy lưu ý: "Các em nên tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nếu chọn kỳ thi riêng của các trường ĐH cũng chỉ nên tham dự 1-2 kỳ thi, bởi đặc thù các kỳ thi này phục vụ xét tuyển vào nhóm lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, các trường sư phạm tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển người học cho các ngành này, ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung khối các ngành công nghệ kỹ thuật…". Vụ trưởng nói thêm: "Hầu hết các trường ĐH vẫn dành chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các em cần tập trung cao độ cho kỳ thi này để có kết quả tuyển sinh tốt".
Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng mỗi kỳ thi riêng giống nhau ở mục tiêu phục vụ trực tiếp cho việc xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ nhưng có sự khác nhau về cách thức thực hiện. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực không tập trung nhiều vào việc đánh giá năng lực và kiến thức của bậc học như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, các kỳ thi này đánh giá toàn diện các năng lực người học cần có cho việc học ĐH như sử dụng ngôn ngữ, tư duy, phân tích số liệu, giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống…
Mức điểm ưu tiên khu vực
Theo quy chế tuyển sinh năm 2022, chính sách ưu tiên khu vực bắt đầu được điều chỉnh từ năm 2023 với thí sinh đạt tổng điểm thi 3 môn từ 22,5 trở lên. Chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh vẫn giữ nguyên 4 khu vực như trước đây. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75, khu vực 2 - nông thôn là 0,5, khu vực 2 là 0,25 và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Nhưng điểm ưu tiên sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi (22,5 điểm) trở lên. Với công thức trên, một học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực, nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm.
"Như vậy, đề thi đánh giá năng lực không tập trung nhiều kiểm tra nhớ kiến thức cơ bản, mà từ những dữ kiện được cung cấp, thí sinh được yêu cầu giải quyết các vấn đề đặt ra cụ thể. Thí sinh không cần luyện thi mà quan trọng là rèn luyện cho bản thân năng lực tổng hợp, tư duy kiến thức và giải quyết những vấn đề cụ thể. Khi đó, bạn sẽ thành công trong bài thi này", tiến sĩ Dương bổ sung.
Cũng liên quan đến kỳ thi riêng, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, chia sẻ thêm thông tin về kỳ thi TestAS. Theo tiến sĩ Viên, kỳ thi riêng là 1 trong 5 phương thức xét tuyển của trường. Đây là bài thi đầu vào về tư duy, logic dành cho sinh viên quốc tế theo học các chương trình Đức hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bài thi nhằm tìm ra người học đảm bảo đủ điều kiện học tập ĐH theo các khối ngành. Thí sinh có thể nộp chứng chỉ TestAS phù hợp với ngành đào tạo để thay thế cho bài thi đầu vào của trường. Tuy nhiên, kết quả thi này chỉ dùng để xét tuyển vào Trường ĐH Việt Đức. Giải đáp câu hỏi về mức học phí khóa tuyển sinh năm 2023, ông Viên cho biết trường chỉ có một khoản phí duy nhất là học phí khoảng 40 triệu đồng/học kỳ.
Bình luận (0)