Bộ GD-ĐT yêu cầu không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
07/08/2024 18:04 GMT+7

Bộ GD-ĐT yêu cầu năm học mới 'không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học'.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 với cấp tiểu học, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT yêu cầu không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học- Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học

TUỆ NGUYỄN

Theo đó, phải bảo đảm thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định tại luật Giáo dục 2019 và công bằng trong tiếp cận giáo dục, theo hướng thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông.

Khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định; tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tiểu học của địa phương.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý: "Khi thực hiện quy hoạch, dồn ghép trường, lớp cần ưu tiên thực hiện dồn ghép các trường tiểu học có quy mô nhỏ với nhau bảo đảm thực hiện đúng quy định của Điều lệ trường tiểu học; có thể bố trí điểm trường để tạo điều kiện thuận lợi cho người học (có thể thành lập trường tiểu học liên xã, liên phường) không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học".

Đối với các trường liên cấp tiểu học - THCS, Bộ GD-ĐT yêu cầu cần bảo đảm quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đến khối phòng học tập, khối phụ trợ cần được bố trí thành phân khu riêng biệt cho từng cấp học và khu sân chơi, bãi tập, thể dục thể thao cần bố trí dụng cụ, thiết bị vận động phù hợp cho từng cấp học.

Bảo đảm các quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó các phòng học bộ môn cần được bố trí riêng biệt cho các cấp học, ngoại trừ các phòng học bộ môn có thể sử dụng chung cho một số môn học bảo đảm đáp ứng yêu cầu về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đánh giá, sau hơn 6 năm triển khai sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, nhiều điểm trường và trường có quy mô nhỏ ở các cấp học mầm non, phổ thông được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, địa phương, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương còn có những khó khăn, bất cập, dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ, chưa phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Do vậy, tại Công văn số 826/BGDĐT-CSVC ngày 29.2.2024 về việc hướng dẫn thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, một trong những yêu cầu Bộ GD-ĐT đặt ra là: "Không sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non với các cơ sở giáo dục phổ thông; không sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên với trường phổ thông trên địa bàn".

Việc sáp nhập để hình thành các trường có nhiều cấp học, theo Bộ GD-ĐT, phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học.

Gần 2.200 trường phổ thông có nhiều cấp học

Theo thống kê, cả nước hiện có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập. Trong đó bao gồm: 12.947 cơ sở giáo dục mầm non, 12.024 trường tiểu học, 8.844 trường THCS, 2.263 trường THPT và 2.182 trường phổ thông có nhiều cấp học. [

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.