Vì sao học sinh tiểu học đạt 9 điểm vẫn bị đánh giá 'hoàn thành'?

27/05/2024 15:47 GMT+7

Nhiều phụ huynh học sinh ở Bình Dương thắc mắc vì sao học sinh tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ đạt 9 nhưng vẫn bị đánh giá cuối năm mức 'hoàn thành'.

Một tài khoản ẩn danh chia sẻ trên diễn đàn “Cộng Đồng Giáo Viên Tiểu Học” ngày 27.5 rằng một học sinh lớp 4 tại tỉnh Bình Dương có kết quả kiểm tra môn tiếng Việt, toán lần lượt đạt 8, 9 điểm. Tuy nhiên, thông báo kết quả học tập cho thấy giáo viên chỉ đánh giá học sinh này ở mức “H” (hoàn thành). Tương tự, nhiều phụ huynh học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 4) trên địa bàn Bình Dương  cũng thắc mắc con có điểm kiểm tra định kỳ ở nhiều môn học (toán, ngoại ngữ…) đạt 9 điểm, nhưng vẫn bị đánh giá cuối năm ở mức "hoàn thành".

Chiều 27.5,  trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương đã lý giải về vấn đề này.

Vì sao học sinh tiểu học đạt 9 điểm vẫn bị đánh giá 'hoàn thành'?- Ảnh 1.

Kết quả đánh giá của một học sinh tiểu học ở Bình Dương có điểm kiểm tra định kỳ (KTĐK) 8 và 9 nhưng vẫn bị đánh giá mức H (hoàn thành).

CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết việc đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 4) được thực hiện theo Thông tư số 27 ngày 4.9.2020 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về đánh giá học sinh tiểu học.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương, việc đánh giá học sinh tiểu học là cả một quá trình quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh…

Việc đánh giá học sinh tiểu học không chỉ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ như điểm kiểm tra định kỳ mà còn dựa vào nhiều hoạt động đánh giá thường xuyên khác diễn ra trong suốt quá trình dạy học như mức độ hiểu bài, học sinh có nghe lời thầy cô hay không? Có làm bài tập đầy đủ hay không? Quá trình học tập có tích cực tham gia phát biểu hay không?...

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương khẳng định việc đánh giá học sinh tiểu học ở Bình Dương hiện nay được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư 27. 

"Phụ huynh không nên nhìn vào điểm kiểm tra định kỳ để đánh giá toàn bộ quá trình học tập của các em", lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Dương cho biết thêm, đối với những trường hợp cụ thể phụ huynh cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để được hướng dẫn, giải thích rõ ràng hơn.

Điểm 10 vẫn được đánh giá “Hoàn thành”

Trong Chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh trong học kỳ và cả năm học. Điều này được thể hiện rõ trong Thông tư 27 năm 2020.

Một giáo viên ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đưa ra một trường hợp cụ thể để lý giải vì sao học sinh đạt điểm 10 vẫn có thể bị đánh giá mức “H” (hoàn thành).

Cụ thể, một học sinh lớp 4 của cô này đạt điểm 10 môn khoa học. Tuy nhiên, cô vẫn đánh giá “H” vì thực tế học sinh chỉ được 4 điểm kiểm tra, sau đó có sự nỗ lực, thi lại mới đạt điểm 10.

Cô giáo này chia sẻ thêm: “Cũng có những học sinh trong quá trình học rất tốt, nhưng vì lý do nào đó (chẳng hạn lý do sức khỏe hay tâm lý không được tốt lúc làm bài kiểm tra) chỉ được 7, 8 điểm và khi đó giáo viên vẫn có thể đánh giá Tốt”.

Trong trường hợp khác, giáo viên tiểu học ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) kể, năm học trước, một học sinh dù đạt điểm 9 bài điểm tra nhưng vẫn xếp ở mức “H”. “Phụ huynh cũng không thắc mắc vì suốt năm học mình đã trao đổi thường xuyên với phụ huynh về quá trình học tập của con em. Điểm 9 đó đôi khi do may mắn”, cô giáo chia sẻ.

Do đó, trong Thông tư 27, Bộ GD-ĐT lưu ý, cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.