Không nên chỉ dựa vào kết quả cuối cùng để đánh giá học sinh

23/03/2023 08:31 GMT+7

PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), cho rằng sự thay đổi của kỳ thi nên hướng tới: đánh giá học sinh (HS) tốt nghiệp THPT bảo đảm tính xác thực, toàn diện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, gắn kết quá trình học tập và thi cuối cấp học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Kỳ thi phải góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tăng độ tin cậy vào quá trình học tập. Tổ chức kỳ thi cần khoa học, linh hoạt để ứng dụng được những tiến bộ của thời đại như công nghệ thông tin, chuẩn hóa câu hỏi, đề thi… phù hợp với điều kiện học tập, sinh sống của HS. Chương trình GDPT 2018 nói riêng, mục tiêu giáo dục và phát triển con người của VN nói chung chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Chính vì vậy, không thể chỉ dựa vào thành tích, kết quả cuối cùng để đánh giá HS. Giờ đây, HS được tăng cường trải nghiệm, có cơ hội lựa chọn môn học; tiếp cận với phương thức học tập đa dạng (trực tuyến, trực tiếp, sử dụng công nghệ…). Chính vì thế, hy vọng về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chắc chắn tập trung ở việc: làm thế nào để đánh giá được năng lực của người học một cách hiện đại, công bằng, có giá trị bền vững.

Không nên chỉ dựa vào kết quả cuối cùng để đánh giá học sinh
 - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thể đánh giá được năng lực của người học một cách hiện đại

NGỌC DƯƠNG

Để làm được điều đó, theo bà Thơ, việc xét tốt nghiệp bao gồm kết quả quá trình học tập, thi cuối cấp học (thông qua kỳ thi) thay vì chỉ tập trung vào kết quả thi tốt nghiệp. Đánh giá kết quả học các môn văn hóa được chọn trong kỳ thi chỉ là một phần, còn lại cần thể hiện được quá trình học tập xuyên suốt cấp THPT của người học. Tiếp đến, kỳ thi phải hướng đến sự phân hóa phù hợp với lựa chọn môn học mà người học đã chọn. Điều này có ý nghĩa định hướng sự phát triển của cá nhân và phân luồng học tập, kết nối với quá trình lập thân, lập nghiệp của HS. Linh hoạt tổ chức các đợt thi có sự phân quyền cho trường học - địa phương ở phạm vi nhất định. Đồng thời, làm tốt việc kết nối hệ thống kỳ thi cuối cấp và quá trình học tập được thể hiện trong học bạ mới có thể đảm bảo định hướng nghề nghiệp có ý nghĩa với việc học của HS.

Theo bà Thơ, có thể tổ chức cuộc thi trên máy tính; tổ chức nhiều điểm thi, đợt thi mà vẫn đảm bảo an toàn, công bằng. Chúng ta có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi, tự luận, trắc nghiệm với nhiều kiểu câu… để đảm bảo kỳ thi chuẩn hóa, sẵn sàng cho sự phân cấp trong tổ chức mà vẫn đảm bảo chất lượng.

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cần kế thừa được ưu điểm của những phương thức tổ chức hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phân quyền cho địa phương, để vừa đảm bảo được yêu cầu chuẩn hóa, chất lượng trên phạm vi quốc gia, vừa sát với quá trình giáo dục và điều kiện thực thi của mỗi tỉnh, thành. Điều đó giúp kỳ thi linh hoạt hơn, ổn định, tránh rườm rà, tốn kém" , PGS Thơ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.