Bộ GD-ĐT nói gì về thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh trung học?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
21/08/2021 09:13 GMT+7

PGS Nguyễn Xuân Thành , Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), trả lời PV Thanh Niên xung quanh những thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá học sinh trung học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới .

Bộ GD-ĐT nói gì về thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh trung học?1

ẢNH: THẾ ĐẠI

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Thông tư 22 Bộ GD-ĐT mới ban hành có nhiều nội dung cơ bản là kế thừa Thông tư 26 ban hành năm 2020 và sẽ chỉ thực hiện theo tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể sẽ áp dụng từ năm học 2021 - 2022 với riêng lớp 6; năm 2022 - 2023 với lớp 7 và 10... Các lớp còn lại vẫn áp dụng Thông tư 26 hiện nay.
Những môn học vốn đánh giá bằng nhận xét thì nay tiếp tục duy trì và áp dụng hình thức đánh giá này ở những môn học, hoạt động mới trong chương trình như: hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, giáo dục nghệ thuật (ở cấp THPT), không có môn nào đang từ cho điểm chuyển sang nhận xét. Đánh giá bằng nhận xét chỉ có 2 mức: đạt và chưa đạt.
Thông tư quy định, môn học có 35 tiết/năm học: 2 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 3 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có trên 70 tiết/năm học: 4 điểm đánh giá thường xuyên.
Bộ khuyến khích giáo viên (GV) đánh giá nhiều lần nhưng số đầu điểm lựa chọn để tính kết quả học tập của học sinh (HS) chỉ theo quy định ở thông tư. Tuy GV được chọn nhưng phải phù hợp với tiến trình dạy học chứ không phải điểm đầu năm cao thì lấy, bỏ hết điểm cuối năm học, và ngược lại.
GV phải đảm bảo HS được đánh giá thường xuyên theo đúng mục tiêu của loại hình này chứ không phải chỉ dồn vào một giai đoạn nào đó của học kỳ.
Việc đánh giá định kỳ, gồm đánh giá giữa và cuối kỳ, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Thời gian làm bài kiểm tra đối với môn học có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút; đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 - 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Không còn học sinh giỏi, trung bình, yếu, kém

Ông có thể giải thích vì sao Bộ GD-ĐT lại thay đổi cách gọi trong đánh giá HS, thay vì giỏi, trung bình, yếu, kém bằng: tốt, khá, đạt, chưa đạt?
Thông tư 58 xếp loại hạnh kiểm, học lực, còn Thông tư 22 đánh giá kết quả rèn luyện của HS dựa trên biểu hiện của phẩm chất cần đạt trong chương trình: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Tương tự, đánh giá kết quả học tập cũng có 4 mức như trên. Thông tư mà Bộ GD-ĐT mới ban hành cũng không còn phân loại HS theo 4 mức: giỏi, trung bình, yếu, kém như hiện nay. Thay vào đó, kết quả học tập của HS trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo một trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Đáng chú ý, để đạt ở mức tốt, quy định mới yêu cầu khác so với yêu cầu về học lực tốt như hiện nay. Theo quy định đang áp dụng, HS đạt học lực tốt có điểm trung bình tất cả các môn học từ 8,0 trở lên, không môn nào dưới 6,5 và phải có ít nhất 1 trong 3 môn toán, văn, ngoại ngữ đạt 8,0 trở lên. Quy định mới, để đạt được mức tốt: mỗi HS được xếp loại tốt thì các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức đạt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải đạt 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8,0 trở lên.
Bộ GD-ĐT nói gì về thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh trung học?2

Thông tư 22 Bộ GD-ĐT mới ban hành sẽ áp dụng từ năm học 2021 - 2022 với riêng lớp 6

ẢNH: KHẢ HÒA

Như vậy, để đạt ở mức tốt, HS chỉ được phép có 2/8 môn đánh giá bằng điểm số có kết quả dưới 8,0 (chưa kể môn tự chọn ở THPT). Còn các môn đánh giá bằng nhận xét đều phải ở mức đạt: ở THCS là 4 môn và THPT là 5 môn (kể cả môn tự chọn).
Mức khá: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt; tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 trở lên.
Mức đạt: có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức chưa đạt; có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm dưới 3,5 điểm. Mức chưa đạt là các trường hợp còn lại.
Xuyên suốt thông tư là đánh giá vì sự tiến bộ của HS nên kết quả rèn luyện, học tập của học kỳ 2 sẽ là trọng số để đánh giá cả năm học. Ví dụ, học kỳ 1 loại khá, học kỳ 2 loại tốt thì cả năm HS đó sẽ được đánh giá loại tốt.
Việc bỏ quy định bắt buộc với HS có kết quả học tập tốt phải có một trong các môn: toán, văn, ngoại ngữ đạt từ 8,0 trở lên, nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận có HS học lực tốt nhưng điểm toán và văn là 2 môn có thể chỉ từ 6,5?
Điều này cũng có thể xảy ra nhưng tôi cho rằng sẽ rất hạn hữu. Trên thực tế, để học tốt các môn khoa học xã hội, ngoại ngữ thì môn ngữ văn, vốn là môn công cụ trong ngôn ngữ, giao tiếp phải tốt. Với môn toán cũng vậy, đây là môn công cụ để học tốt các môn khoa học tự nhiên. Việc HS đạt 8,0 trở lên tất cả các môn mà toán, văn lại chỉ 6 - 7 thì cần xem lại cách thức ra đề kiểm tra đánh giá đã đạt theo chuẩn kiến thức kỹ năng cần đạt của chương trình môn học đó hay chưa.
Thay đổi cách đánh giá thì HS sẽ được khen thưởng khi đạt kết quả ra sao?
Việc khen thưởng chỉ còn 2 danh hiệu là HS xuất sắc và HS giỏi, không còn khen thưởng HS tiên tiến nữa. Để được khen thưởng HS xuất sắc, HS phải đạt kết quả rèn luyện và học tập đều phải tốt nhưng yêu cầu cao hơn một mức, đó là kết quả học tập phải có ít nhất 6 môn đạt điểm tổng kết năm từ 9,0 trở lên. Danh hiệu HS giỏi thì chỉ yêu cầu HS đạt kết quả rèn luyện và học lực tốt.

Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục áp dụng cho lớp 6 năm nay

K.H

Bỏ cộng điểm trung bình các môn để không “đánh đồng”

Cơ sở nào để Bộ quyết định bỏ tính điểm trung bình cộng của tất cả các môn trong đánh giá, thưa ông?
Trước đây, đánh giá điểm trung bình tất cả các môn học thì có hiện tượng là lấy môn nọ bù vào môn kia. Do đó, dẫn tới hiện tượng là có môn ở mức rất cao thậm chí 9,0 - 10, nhưng có thể tới nửa số môn còn lại chỉ ở mức khá. Và khi nhìn vào kết quả trung bình tất cả các môn thì đánh đồng các môn HS đều đạt điểm giỏi mà không biết mỗi HS có thế mạnh ở những môn nào… Việc bỏ điểm trung bình cộng sẽ giúp nhìn kỹ vào bảng điểm tất cả các môn để biết HS đang có năng lực nổi trội ở môn nào, môn nào cần cố gắng hơn chứ không đánh đồng tất cả trong một kết quả chung.
Mục đích của việc đánh giá này vừa để sát thực hơn kết quả học tập của HS, vừa giúp điều chỉnh trong quá trình giáo dục, phát huy thế mạnh của từng em cũng như giúp đỡ HS chưa đạt được kết quả như mong muốn ở từng mặt.
Giáo viên phải thay đổi thế nào để đáp ứng cách đánh giá mới ?
Để đánh giá được thì GV phải tổ chức tốt dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS mà Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra. GV có thể đánh giá HS thông qua các hoạt động thuyết trình, thí nghiệm, thực hành, sản phẩm học tập… bằng nhận xét lời nói, ghi chép, cho điểm…
Để tránh việc mỗi nơi ra đề kiểm tra một mức độ khác nhau, dẫn tới kết quả không phản ánh đúng chất lượng dạy học, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu đối với bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông chứ không phải theo cảm tính của GV hay nhà trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.