Bộ Giáo dục - Đào tạo: Kỷ luật học sinh nghiêm khắc nhưng phải nhân văn

07/10/2017 08:53 GMT+7

Sau những tranh luận về hình thức kỷ luật học sinh bị coi là 'hà khắc' thời gian vừa qua, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, cần có các hình thức kỷ luật học sinh nghiêm khắc nhưng phải nhân văn.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục - Đào tạo) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh việc kỷ luật học sinh được áp dụng trong các nhà trường hiện nay. 
Thưa ông, thời gian vừa qua, dư luận xã hội tranh luận về việc một trường THPT dân lập ở Hà Nội có kỷ luật "hà khắc" với học sinh. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên thì có quan điểm ủng hộ, nhưng cũng có quan điểm phản đối, cho rằng kỷ luật đó là thiếu tính nhân văn. Ông có ý kiến như thế nào?
- Trường học là nơi không chỉ cung cấp kiến thức văn hóa mà còn là môi trường rèn luyện, giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh; do đó kỷ luật học sinh cũng chỉ là những biện pháp cuối cùng mà nhà trường hay luật pháp phải làm.
Chúng tôi rất chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục và tiến hành các phương pháp giáo dục tích cực đối với các vi phạm của học sinh; đặc biệt là quan tâm giúp đỡ, tư vấn nhằm tháo gỡ các vướng mắc của học sinh; quản lý, giáo dục kịp thời các nhóm đối tượng đặc biệt, đây là giải pháp quan trọng giúp các em nhận thức được những khuyết điểm của mình và có hướng giải quyết tích cực.
Theo tôi, cần có các hình thức kỷ luật học sinh phù hợp với tâm lý lứa tuổi, vừa nghiêm khắc, nhưng cũng vừa nhân văn với mục tiêu giúp học sinh vi phạm hiểu được lỗi lầm, có ý thức tự sửa chữa, khắc phục, có ý thức tự rèn luyện, tự giáo dục. Trước mỗi lỗi vi phạm của học sinh, nhà trường cần gần gũi, tìm hiểu rõ bản chất, nguyên nhân sâu xa của của sự việc, từ đó mới đưa ra hình thức kỷ luật. Có như vậy, việc kỷ luật học sinh mới mang tính tích cực, đảm bảo mục đích giáo dục, giúp học sinh tiến bộ sau mỗi lần vấp ngã.
Hiện nay, mỗi trường có nội quy riêng, có những quy định không thống nhất hoặc quá "hà khắc" so với quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Vậy điều đó có được phép không thưa ông?
- Trong thời gian qua, hầu hết các nhà trường đều thực hiện nghiêm túc việc ban hành và thực hiện nội quy trường học. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà trường triển khai công việc này chưa tốt, một số quy định đưa ra còn cứng nhắc, chưa quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi; việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và người học chưa thực sự hiệu quả, gây lo lắng cho phụ huynh học sinh và bức xúc trong xã hội.
Căn cứ các quy định tại Điều lệ nhà trường, các văn bản của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, nội quy của nhà trường cần cụ thể hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, nhà trường.
Thưa ông, gần chục năm qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phát động phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực. Xin ông cho biết, hiệu quả của phong trào này tới đâu? Việc kỷ luật “hà khắc” với học sinh có đi ngược với phong trào này hay không?
- Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2008 - 2013 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động năm 2008, với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài trường học để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội; phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của học sinh trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường và tại cộng đồng... Đây vừa là sự cụ thể hóa của phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, vừa là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là bồi dưỡng tình cảm, giáo dục đạo đức, giá trị sống và kỹ năng sống của học sinh.
Thực tế không có quy định lối giáo dục theo kiểu “hà khắc”. Học sinh đến trường ngoài việc được trang bị kiến thức còn được giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống. Nhà trường, các thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục hình thành nhân cách học sinh, nhưng chỉ là một yếu tố trong mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội. Để làm tốt công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và xã hội, đặc biệt là vai trò nêu gương, sự quan tâm sâu sát của cha mẹ học sinh đối với mọi hành vi, lời ăn, tiếng nói, sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện của con em mình…
Thưa ông, Thông tư 08 về kỷ luật học sinh ra đời gần 30 năm  nay, có những quy định được cho là đã quá lỗi thời vì không còn phù hợp với đối tượng học sinh hiện nay, nhưng vẫn đang được áp dụng trong nhà trường. Theo ông, Bộ Giáo dục - Đào tạo có nên xem xét, sửa đổi?
- Một số quy định tại Thông tư 08/TT ngày 21.3.1998 hướng dẫn về việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông không còn phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại. Vì vậy, trong nhiều năm qua Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành những quy định phù hợp hơn về các hành vi học sinh không được làm, về khen thưởng và kỷ luật học sinh tại các thông tư ban hành điều lệ trường tiểu học, trường THCS, THPT. Bên cạnh đó, trong công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, giáo dục trung học hằng năm, Bộ Giáo dục - Đào tạo thường xuyên chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Theo đánh giá của nhiều tổ chức xã hội, đặc biệt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phẩm chất, đạo đức của học sinh Việt Nam khá tốt. Tỷ lệ học sinh yếu kém về hạnh kiểm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (chưa đến 1%). Chính vì vậy, số học sinh vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ rất thấp.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đang tích cực nghiên cứu, rà soát tiếp thu ý kiến từ học sinh, phụ huynh, các cơ sở giáo dục để đưa ra các quy định, trình tự, thủ tục xét khen thưởng và kỷ luật học sinh bảo đảm sự thống nhất, dễ thực hiện, nhất là hướng dẫn áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực đối với học sinh; các nội dung này sẽ được đưa vào trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Điều lệ trường học trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.