Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XV tới đây với Bộ trưởng Bộ GTVT.
Liên quan đến sai phạm trong ngành đăng kiểm, từ tháng 10.2022 tới nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm. Đã có 106/281 (khoảng 38%) trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến sai phạm trong ngành đăng kiểm, từ tháng 10.2022 tới nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm. Đã có 106/281 (khoảng 38%) trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ điều tra.
Đã điều tra, khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo và đăng kiểm viên của Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm này có 68 vụ án đã khởi tố, khám xét 103 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm; khởi tố gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau. Gồm tội môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác…
Theo Bộ GTVT, việc tạm dừng trung tâm đăng kiểm và thiếu hụt đăng kiểm viên đã dẫn đến ùn ứ trong việc phục vụ người dân. Đặc biệt có những thời điểm, tại Hà Nội chỉ có 6/31 và TP.HCM chỉ có 8/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động, gây ra sự khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm.
Chính phủ, Thủ tướng và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có nhiều cuộc họp khẩn, chỉ đạo nhằm khôi phục lại hoạt động đăng kiểm. Cùng với sự hỗ trợ nhân lực từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, đến nay đã khôi phục lại 73 đơn vị, nâng tổng số đơn vị đang hoạt động là 249/281 đơn vị.
Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn còn 32 đơn vị chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại. Tại Hà Nội hiện có 26/31 đơn vị đăng kiểm hoạt động, đáp ứng 51% nhu cầu kiểm định và TP.HCM có 16/19 đơn vị hoạt động nhưng cũng chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu do số lượng phương tiện bị ùn tắc, quá hạn đăng kiểm cộng dồn trong nhiều tháng vừa qua…
Lãnh đạo đăng kiểm suy thoái, tham nhũng, tiêu cực
Đánh giá về nguyên nhân, Bộ GTVT cho rằng do cơ cấu Cục Đăng kiểm chậm đổi mới, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; không có lực lượng thanh tra chuyên ngành độc lập để thực hiện chức năng thanh tra, giám sát thường xuyên đối với lĩnh vực đăng kiểm.
Đáng nói, một số cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đăng kiểm viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, gây hậu quả xấu cho bản thân, gia đình, cơ quan, đơn vị và xã hội.
Bộ GTVT cũng cho rằng, giá kiểm định được xây dựng từ cách đây 10 năm chưa được điều chỉnh phù hợp với các yếu tố chi phí đầu vào đã tăng lên hiện nay dẫn đến hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm gặp nhiều khó khăn. Doanh thu không đạt được như kỳ vọng, cùng với mong muốn thu hồi vốn nhanh của các nhà đầu tư nên xảy ra việc cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến làm sai các quy định pháp luật.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ GTVT cho rằng để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm quản lý nhà nước trước tiên thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sở GTVT các tỉnh thành phố có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định trên địa bàn.
“Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của bộ khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Các cơ quan tham mưu cũng chưa sát sao, kịp thời nhận diện những bất cập, công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Về kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên theo thẩm quyền, Bộ GTVT cho biết đã đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 24 đảng viên; xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ Đảng đối với 49 đảng viên, 10 chi bộ đảng bị kỷ luật cảnh cáo.
Bộ GTVT cũng xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khởi tố, bắt tạm giam.
Dự kiến gia hạn tự động với xe cá nhân từ đầu tháng 6
Về giải pháp lâu dài ổn định lại hoạt động đăng kiểm, Bộ GTVT cho biết đang xây dựng Đề án “Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của từng cơ quan trong quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện.
Triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ngay sau khi được Chính phủ ký ban hành (dự kiến đầu tháng 6.2023) trong đó đã phân cấp đến các địa phương.
Các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
Đặc biệt, sẽ sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT theo trình tự rút gọn để cho phép tự động gia hạn chu kỳ kiểm định theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (dự kiến ban hành đầu tháng 6.2023).
Chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại, việc này sẽ giải quyết được ngay tình trạng bị ùn tắc phương tiện kiểm định trong vòng khoảng 45 ngày tới đây và sẽ đảm bảo ổn định trong dài hạn.
Bình luận (0)