Bỏ hay giữ quyền khởi tố vụ án của tòa?

Phan Thương
Phan Thương
30/07/2023 06:16 GMT+7

Vấn đề trên được đặt ra khi mới đây Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa 15 có buổi khảo sát việc chấp hành luật Tổ chức TAND tại TAND TP.HCM, và thảo luận về luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Bỏ hay giữ quyền khởi tố vụ án của tòa? - Ảnh 1.

Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM Nguyễn Thanh Sang cho rằng nên giữ quyền khởi tố vụ án của tòa

Phan Thương

Tại buổi khảo sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH) Hoàng Văn Liên đặt ra nhiều vấn đề "nóng" để các đại biểu tham gia thảo luận và cho ý kiến, như: quyền miễn trừ của thẩm phán, quyền thu thập chứng cứ của tòa án, đề xuất thành lập các tòa chuyên biệt… Bên cạnh đó là quyền hạn khởi tố vụ án tại tòa của thẩm phán nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm có cần thiết giữ lại (?).

Vừa khởi tố, vừa xét xử sẽ khó khách quan?

Về vấn đề này, thạc sĩ Võ Văn Tài, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng kiểm sát TP.HCM, cho rằng giữ hay không giữ sẽ căn cứ vào thực tế tòa án sử dụng quyền này như thế nào theo luật định. Nhưng mặt khác cũng cần căn cứ chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự, là buộc tội, gỡ tội và xét xử.

Nếu giao quyền khởi tố vụ án cho tòa án thì không đúng chức năng cơ bản của HĐXX theo bộ luật Tố tụng. "Tòa án khởi tố vụ án, sau này cũng chính tòa án xét xử thì rõ ràng tòa án ít nhiều phải bảo vệ quan điểm khởi tố vụ án, khởi tố một hành vi có dấu hiệu tội phạm. Như vậy, khi tòa án khởi tố vụ án đã mặc định hành vi của cá nhân hoặc nhóm người là phạm tội, thì sau này khi xét xử phần nào sẽ không còn khách quan, ảnh hưởng quyền bào chữa của luật sư hoặc bị cáo", ông Tài lo ngại.

Trước câu hỏi của PV về việc tòa án chỉ khởi tố vụ án, còn xác định có người phạm tội hay không sẽ do cơ quan điều tra (CQĐT), Viện KSND làm rõ, như vậy, về tố tụng vẫn đảm bảo các chức năng cơ bản của cơ quan tiến hành tố tụng, và quyền bào chữa của người tham gia tố tụng; ông Võ Văn Tài cho rằng một khi HĐXX đã khởi tố vụ án, tức đa phần họ đã xác định được hành vi phạm tội cũng như chủ thể thực hiện hành vi phạm tội, như vậy vừa khởi tố vụ án, vừa xét xử vụ án sẽ không đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, theo ông Tài, còn nhiều cơ chế để giám sát quyền lực cũng như tránh bỏ lọt tội phạm, như quyền kiến nghị, trả hồ sơ của tòa án; quyền giám sát của HĐND, ủy ban MTTQ hoặc cơ chế giám sát của cấp trên đối với cấp dưới, của các cơ quan khác… nên không nhất thiết phải có quyền khởi tố vụ án của tòa án.

CÔNG CỤ VÀ PHƯƠNG TIỆN TRÁNH BỎ LỌT TỘI PHẠM

Có góc nhìn khác, Đại biểu QH (ĐBQH) Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cho rằng tại TP.HCM, tòa án đã khởi tố một vụ, nhưng theo báo cáo một số địa phương khác thì hầu như quyền này của tòa không được HĐXX sử dụng. "Dù số lượng khởi tố vụ án của tòa ít nhưng nên giữ, bởi đây là công cụ và phương tiện để tòa phát huy được vai trò cũng như tránh bỏ lọt tội phạm", ông Dương Ngọc Hải đánh giá và nêu rằng, đối với vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, trước đây ở giai đoạn tin báo tố giác tội phạm, CQĐT đã làm, nhưng quan điểm của CQĐT là không khởi tố vì cho rằng không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Song sau đó, quá trình thẩm vấn công khai tại tòa ở vụ án Phạm Công Danh, cùng tài liệu chứng cứ khác, TAND TP.HCM đã mạnh dạn khởi tố vụ án đối với bà Hứa Thị Phấn, và đến nay vụ án này cũng đã thu hồi được khoảng 10.000 tỉ đồng cùng việc kê biên nhiều tài sản khác để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Hứa Thị Phấn và đồng phạm.

"Chúng ta nên giữ lại quyền này của tòa, tuy số lượng không lớn. Cần thiết đánh giá, nhìn nhận và điều chỉnh các quy định phù hợp, để làm sao tòa án mạnh dạn sử dụng quyền này", ông Dương Ngọc Hải cho hay.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM, cho rằng nên giữ quyền khởi tố vụ án của tòa. Theo ông Sang, có những vụ nếu TAND đã trả hồ sơ, hoặc kiến nghị đề nghị Viện KSND làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của cá nhân, tổ chức; Viện KSND đã trả hồ sơ cho CQĐT nhưng cả CQĐT và Viện KSND vẫn giữ quan điểm không khởi tố, thì ngay tại tòa nếu thấy đủ chứng cứ, tòa án có thể ra quyết định khởi tố vụ án.

Về quyết định khởi tố hoặc yêu cầu khởi tố thuộc thẩm quyền của tòa án, luật sư Hà Hải, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, nhấn mạnh khoản 4 điều 153 bộ luật Tố tụng hình sự quy định HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Và trong suốt thời gian dài thẩm quyền khởi tố của tòa dường như bị lãng quên, nên vẫn có nhiều ý kiến đề nghị bỏ việc giao cho tòa thẩm quyền khởi tố vụ án. 

"Thực tế ít trường hợp được tòa khởi tố bởi tòa thận trọng, đồng thời chứng cứ chưa đủ, vì thế có thể tòa chọn thẩm quyền kiến nghị hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, thẩm quyền khởi tố của tòa ở khía cạnh nào đó đã có tác dụng trong công tác quyết liệt phòng chống tội phạm, vì vậy, cần thiết phải giữ lại", luật sư Hà Hải nêu.

Một số vụ án được HĐXX khởi tố tại tòa

Tháng 12.2015, sau khi xét xử sơ thẩm một vụ án buôn lậu ô tô, HĐXX đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đối với các cán bộ xuất nhập cảnh trực tiếp tham gia đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh khống nhiều lần, căn cứ kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa. Vụ án sau đó chuyển đến Viện KSND TP.HCM điều tra theo thẩm quyền.

Trước đó, tháng 11.2015, sau khi tuyên án vụ làm thất thoát 966 tỉ đồng xảy ra tại Agribank chi nhánh 6, TAND TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Agribank VN, liên quan hành vi tự ý nâng quyền phán quyết cho Agribank chi nhánh 6 dẫn đến thiệt hại. Quyết định khởi tố vụ án được gửi đến Viện KSND tối cao để điều tra.

Ngoài ra, tháng 1.2014, trong phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm can tội tổ chức cho người khác đi nước ngoài. Từ lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.