Bộ Kế hoạch tố Bộ Xây dựng không ủng hộ luật Quy hoạch vì sợ 'mất việc'

16/09/2016 13:33 GMT+7

Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Xây dựng đã thể hiện sự bất đồng quan điểm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16.9 về dự án luật Quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, mục tiệu của xây dựng luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước.
Bất cập của vấn đề quy hoạch được Thứ trưởng Đông nêu ra là tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng. Số liệu thống kê cho biết, thời kỳ 2001 - 2010, số quy hoạch được lập là 3.114, thì đến thời kỳ 2011 - 2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại, tăng gấp 6 lần.
Bộ Xây dựng không đồng tình
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh luật Quy hoạch có tác động rất lớn đến Bộ Xây dựng cũng như ngành xây dựng. Theo ông Toàn, Bộ Xây dựng đã tham gia góp ý kiến đồng thời là thành viên ban soạn thảo dự luật từ đầu đến nay. Tuy nhiên, đến hiện tại, nhiều vấn đề liên quan đến dự luật chưa được thống nhất.
Theo ông Toàn, một vấn đề lớn của dự luật là bãi bỏ khái niệm quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh đã được đưa vào luật Xây dựng 2014. Thay vào đó, dự luật đưa vào tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong đó quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội.
Ông Toàn bày tỏ băn khoăn về việc ai là người sẽ thực hiện việc quy hoạch tổng thể rất phức tạp này. Ngành xây dựng chỉ đào tạo người làm quy hoạch xây dựng, các ngành khác cũng tương tự. “Bây giờ sẽ phải xuất hiện những đơn vị, cá nhân có pháp nhân, có trình độ tổng hợp để làm được việc đó”, ông Toàn nói. Theo ông Toàn, tại dự thảo vấn đề quy hoạch xây dựng cũng được đưa vào, nhưng chưa đầy đủ.
Ông Toàn cho biết, Bộ Xây dựng cũng không nhất trí đối với cả 2 phương án Tổng thể quy hoạch quốc gia được đưa vào dự luật. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Chính phủ nhưng không được tiếp thu. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác mà Bộ Xây dựng góp ý cũng không được Chính phủ lắng nghe. Do vậy lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị trước khi đưa dự luật ra Quốc hội, Bộ Xây dựng muốn làm việc riêng với Ủy ban kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để làm rõ một số vấn đề.

tin liên quan

TP.HCM xóa tận gốc quy hoạch 'treo'
Trong những lần làm việc mới đây với các địa phương trên địa bàn TP.HCM về các kiến nghị của người dân liên quan đến các khu quy hoạch 'treo', Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã giao Sở QH-KT nhanh chóng nghiên cứu xóa 'treo' các dự án 'khủng', trả lại quyền lợi cho người dân.
Bộ Kế hoạch có lấy việc của Bộ Xây dựng?
Bày tỏ không đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, tờ trình của Chính phủ thực hiện đúng tinh thần kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ, chứ không phải ý kiến riêng của Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ông Đông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem ý kiến của Bộ Xây dựng vừa phát biểu chỉ là ý kiến cá nhân, không phải ý kiến chính thức của Chính phủ.
Theo ông Đông, qua tham khảo nhiều chuyên gia, đã khẳng định thế giới không có khái niệm quy hoạch xây dựng mà chỉ có quy hoạch đô thị, trong đó bao gồm cả quy hoạch nông thôn, vì nông thôn đã đô thị hoá nhiều. Theo ông Đông, khái niệm quy hoạch xây dựng xuất phát từ mô hình kinh tế tập trung của Liên Xô và Đông Âu trước đây quy hoạch phân bổ không gian xong thì nguồn lực xây dựng là của Nhà nước, nên gọi là quy hoạch xây dựng.
Theo ông Đông, dự luật trình ra là kết quả nghiên cứu của ban soạn thảo, không phải ý kiến cá nhân duy ý chí của Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Việc bỏ khái niệm quy hoạch xây dựng theo ông Đông cũng không phải nhằm kéo việc từ Bộ Xây dựng về cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
“Chúng tôi lấy làm tiếc đến gần đây trong các phát biểu của Bộ Xây dựng, cụ thể là đồng chí Toàn, từ đầu đến cuối các góp ý không thay đổi và có những kỳ họp các đồng chí đã nói thẳng luôn là nếu làm luật Quy hoạch theo hướng này là mất việc của Bộ Xây dựng. Tôi xin mạnh dạn công khai ở đây sự thật. Các đồng chí lo ngại mất việc, chứ không xuất phát từ cái chung”, Thứ trưởng Đông nói.
Phát biểu tiếp đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã nhận được công văn của Bộ Xây dựng, trong đó cho biết Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà không thống nhất với cả 2 phương án Tổng thể quy hoạch quốc gia được đưa vào dự luật.
Cho ý kiến về việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: "Từ khi tham gia Quốc hội đến nay bà chưa từng thấy khi Chính phủ đã thống nhất mà có Bộ trưởng gửi công văn nói không đồng ý. Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cho rằng, "đây là vấn đề cần được lắng nghe đầy đủ từ các bên".
Tại dự thảo, Chính phủ xây dựng 2 phương án về hệ thống quy hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định:
Theo phương án 1, sau khi các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tiến hành rà soát để tích hợp thành Tổng thể quy hoạch quốc gia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định điều chỉnh các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cho phù hợp.

Theo Chính phủ, phương án này có ưu điểm là dễ làm, không mất thời gian thẩm định, phê duyệt và vai trò của Bộ Kế hoạch - Đầu tư được nâng cao. Nhược điểm của phương án này là không có tính pháp lý; cách làm thụ động và không thể hiện được vai trò, chức năng quan trọng của quy hoạch là định hướng, dẫn dắt phát triển ở tầm vĩ mô, không tạo được sự liên kết, khớp nối giữa các quy hoạch và không khắc phục được tình trạng chia cắt, cục bộ như hiện nay. 

Theo phương án 2, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được lập trước để định hướng cho các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn. Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành. Cơ quan lập quy hoạch sẽ do Thủ tướng thành lập với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia quy hoạch và sẽ được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định nhà nước và phản biện của xã hội trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Phương án này có ưu điểm là tính pháp lý cao, bắt buộc các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải tuân thủ; là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên toàn bộ không gian lãnh thổ và là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch. Phương án này khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, lợi ích cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án là phải có sự đồng thuận của các bộ, ngành và đặc biệt là phải quyết tâm đổi mới tư duy về quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ định hướng phát triển theo hướng Nhà nước kiến tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.